Thúc đẩy sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến
Vừa qua, cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp” năm 2021 cấp tỉnh lần đầu tiên tổ chức. Ðây là dịp các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có dịp chia sẻ về những kỹ năng, kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Thúc đẩy chuyển đổi
Thông tin từ Ban tổ chức, Bình Định là một trong số ít các địa phương tổ chức cuộc thi ở quy mô cấp tỉnh. Ở lần tổ chức đầu tiên này, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 15 nhà giáo đến từ các trường cao đẳng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong tỉnh.
Phần lớn các nhà giáo (đặc biệt là khối trường) đã chuẩn bị kỹ sản phẩm dự thi, xác định được mục tiêu của cuộc thi, nội dung kiến thức, bảo đảm tính hệ thống của sản phẩm. Các nhà giáo cũng đặc biệt chú trọng đến sự tương tác giữa người dạy và người học. Phương pháp thiết kế mỗi bài giảng linh hoạt giữa các kênh: Ngôn ngữ, hình ảnh, video trực quan, hoạt động, trải nghiệm…
Ban giám khảo cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp” chấm bài giảng, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà giáo. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Đại diện Ban tổ chức cuộc thi, ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) nhận định: “Cuộc thi lần này cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong việc ứng dụng trang thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại vào bài giảng, đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới dạy học, hướng đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt”.
Đơn cử như bài giảng “Thiết kế giáo án tích hợp” của nhà giáo Nguyễn Quốc Vỹ (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) - bài giảng đạt giải nhất. Nhà giáo đã vận dụng nhiều phương thức, giải pháp đào tạo. Trong đó, có mô hình “lớp học đảo ngược”, tức là người dạy sẽ cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến bài giảng để người học có thể nghiên cứu trước, để khi vào giờ học, người học có nhiều thời gian trao đổi với người dạy, tương tác và thực hành để khắc sâu nội dung học.
Theo nhà giáo Nguyễn Quốc Vỹ, người dạy không chỉ là người chia sẻ kiến thức mà còn là người tạo động lực, người huấn luyện để phát huy năng lực, vai trò của người học trong tự học. “Để dạy học trực tuyến hiệu quả, người dạy phải đầu tư gấp 5 đến 10 lần dạy học trực tiếp. Mặt khác, cả người học và người dạy phải cùng tương tác, thỏa thuận, hướng đến sự cam kết cùng đạt được mục tiêu đào tạo dù đang ngồi cách xa nhau”, ông Vỹ cho biết thêm.
Phát huy kết quả cuộc thi
Tại lễ bế mạc cuộc thi, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng: Trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được tại cuộc thi, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế, tổ chức, quản lý dạy học trực tuyến phù hợp với đặc điểm giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Các hạn chế của các bài giảng được ban giám khảo cuộc thi chỉ ra cần phải được rút kinh nghiệm, sửa đổi, hoàn chỉnh. Một số nhà giáo còn sử dụng các phương tiện giảng trực tuyến chưa phù hợp, phân phối thời gian giữa các nội dung của bài giảng chưa hợp lý, tài liệu tham khảo còn hạn chế.
Các giám khảo cũng có nhiều gợi ý hỗ trợ các nhà giáo nâng hiệu quả bài giảng trực tuyến. Giám khảo Phạm Văn Tường (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) nhận xét: Một số giáo viên, đặc biệt là ở khối trung tâm, do còn ít kinh nghiệm nên chưa điều chỉnh nhịp độ giảng. Đối với bài giảng trực tuyến, nhịp độ giảng bài của giáo viên phải giảm 50% so với bài giảng trực tiếp, như vậy thì người học mới kịp tiếp thu.
Giám khảo Võ Văn Duyên Em (Trường ĐH Quy Nhơn) đã hỗ trợ nhà giáo Nguyễn Thanh Thảo (Trường CĐ Y tế Bình Định) về ứng dụng cho học sinh thực hành hóa học trực tuyến. Giám khảo Vũ Huy Mai (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện -Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) mong các nhà giáo có cách thức phù hợp, hiệu quả để giám sát sản phẩm của người học khi thực hành tại nhà trong quá trình học trực tuyến, qua đó đánh giá chính xác chất lượng học tập của người học…
Nhà giáo Đặng Thị Công (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định) chia sẻ: “Bài giảng trực tuyến đem đi dự thi của tôi chưa được triển khai dạy trực tuyến lần nào. Vì thế không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Thông qua trao đổi với các thành viên ban giám khảo, tôi rút ra nhiều bài học, từ đó tiếp tục nghiên cứu, thiết kế bài giảng trực tuyến để đến khi áp dụng hình thức dạy trực tuyến ở khối trung tâm, mình có thể triển khai luôn”.
NGUYỄN MUỘI