Du lịch nông thôn sẽ bứt phá với…
Du lịch nông thôn là một phần của hoạt động du lịch cộng đồng - loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Tại Diễn đàn Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2.10, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề xuất xây dựng mô hình “Làng du lịch thông minh” (Smart village), từng bước hình thành hệ thống “Làng du lịch thông minh” trên cả nước. Trong đó, các điểm đến nông thôn sẽ kết hợp công nghệ và khai thác giá trị bản địa; kết nối hoạt động truyền thống với nền tảng trực tuyến, đặt dịch vụ, thanh toán trực tuyến. Công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách và đưa những giá trị truyền thống, sản phẩm, dịch vụ của khu vực nông thôn đến du khách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Bản Lác ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng nổi tiếng cả nước.
- Trong ảnh: Du khách với trải nghiệm đạp xe khám phá ruộng đồng thung lũng Mai Châu.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) lấy ví dụ, nhờ ứng dụng công nghệ tích hợp trên điện thoại di động, du khách đến làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) có thể thử đặt bình gốm vào không gian nhà mình trước khi mua, hay đến làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) có thể ướm thử trang phục lên người mà không cần thay đồ.
Các chuyên gia, nhà quản lý và DN đều cho rằng với sản phẩm du lịch nông thôn, công nghệ giúp nâng cấp trải nghiệm nhưng phải giữ các yếu tố cốt lõi là giá trị nhân văn và cảnh quan tự nhiên. Những giá trị này tạo thành một “vòng tròn văn hóa”, nơi du khách tương tác với người dân và trải nghiệm thiên nhiên.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP Hồ Chí Minh), điều đặc sắc nhất của du lịch nông thôn chính là giá trị nhân văn cùng sự tương tác giữa chủ thể văn hóa và khách du lịch. Khi du khách tương tác với con người, cảnh vật, thiên nhiên, di tích và có trải nghiệm bản thân thì cảm thức về vùng nông thôn và văn hóa bản địa càng dày thêm. Cần xây dựng tư liệu và bộ thuyết minh về nét phong tục độc đáo tại địa phương, các câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nhân vật… Khi đã có sản phẩm, việc quảng bá trực tuyến cũng phải mang thông điệp thể hiện sự tương tác văn hóa này.
Du khách tìm hiểu văn hóa người Dao tại khu chợ xã Đồng Văn tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Từ góc độ DN, bà Nhữ Thị Ngần - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) cho biết hiện nay tại Bình Liêu (Quảng Ninh) đã hình thành nhiều tuyến du lịch hấp dẫn gắn với văn hóa bản địa như tham quan vùng trồng dong và sản xuất miến dong; trải nghiệm văn hóa người Dao và lưu trú tại nhà dân; làm nông nghiệp, trải nghiệm thu hoạch hoa hồi, hoa sở cùng đồng bào và tham gia giao lưu văn hóa; tour trekking biên giới… Các sản phẩm du lịch này thành công vì lấy văn hóa, kiến trúc, đồng bào dân tộc Dao làm trọng tâm để du khách trải nghiệm.
Hiện nay phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn nước ta có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ còn thấp... Do đó để phát triển du lịch nông thôn cần có sự hỗ trợ đầu tư đồng bộ từ nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.
Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu diễn ra sinh động trong ngày khai trương hai làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Trước đây TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình kết nghĩa giữa công ty lữ hành với các điểm du lịch nông thôn, qua đó các DN trực tiếp tham gia hỗ trợ về hạ tầng và sản phẩm cho từng thôn làng. Đại diện Công ty Vietravel - ông Lã Quốc Khánh cho biết: Chúng tôi xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, hướng dẫn người dân cách đón khách và tạo ra các sự kiện hay lễ hội nông sản để đưa khách tới. Nhu cầu của du khách đôi khi rất nhỏ, ví dụ như đến làng hoa Sa Đéc, khách luôn hỏi tên các loài hoa thì phải có người dân trả lời họ.
ĐÔNG A (biên soạn)