Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10.10.1911 - 10.10.2021)
Nhà ngoại giao kiệt xuất
Cố đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà chính trị, nhà tham mưu chiến lược tài trí, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ngoại giao.
Người cộng sản kiên trung
Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ra trong một gia đình nho giáo ở xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). 14 tuổi, ông đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khóa đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Chu Trinh; đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Do sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng nên ông nhanh chóng trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng khi mới 18 tuổi, thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta.
Cố vấn Lê Đức Thọ (người giơ tay) tại Hội nghị Paris. Ảnh tư liệu
Tháng 11.1930, bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và bị tòa án thực dân kết án tù khổ sai chung thân, ông đã kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Tòa Thượng thẩm thực dân giảm mức án xuống 10 năm khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo. Trong tù, ông làm Bí thư chi bộ và Thường vụ Chi ủy nhà tù. Ra tù, ông tiếp tục xây dựng cơ sở bí mật của Đảng và phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng. Sau đó, ông lại bị địch bắt và kết án 5 năm tù tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La và Hòa Bình. Trong lao tù, bị địch tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ trọn khí tiết cách mạng, sự kiên trung của người cộng sản.
Năm 1944 ra tù, ông được Trung ương Đảng cử về hoạt động ở ATK, phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ ở khu An toàn của Trung ương; là Ủy viên Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, sau được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ông có công lao lớn trong việc tích cực góp phần đề ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945.
Từ năm 1949, ông làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Cố vấn đặc biệt của Đoàn Đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1973). Tên tuổi Lê Đức Thọ gắn liền với cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ ở Paris, đưa lại Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, một thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Qua những cuộc đàm phán công khai và bí mật của ông trong hơn 5 năm ròng rã ở Paris, có thể khẳng định ông là nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn xa trông rộng về chiến lược và khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Tài thao lược ngoại giao và công lao của ông trong cuộc đấu trí với những đại diện tinh túy nhất của nền ngoại giao Hoa Kỳ đương thời còn thể hiện một đặc thù của nền ngoại giao hiện đại của Việt Nam: Vượt qua tất cả mọi khó khăn và trở ngại, hiệp đồng hiệu lực với những mặt trận và binh chủng khác, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Những hoạt động ngoại giao ông đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho nền ngoại giao Việt Nam. Đó là, vận dụng tài tình phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn hướng vào mục tiêu chiến lược là buộc Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh phá hoại miền Bắc và dính líu quân sự trên toàn Việt Nam, để từ chỗ làm cho “Mỹ cút” tiến tới đánh cho “ngụy nhào”. Trong cuộc đấu trí dai dẳng và gian nan đó, ông đã phát huy cao độ tác động của sách lược “đánh và đàm”, chủ động tấn công ngoại giao đến cùng, làm thất bại mọi âm mưu và làm phá sản mọi con bài ngoại giao của đối phương.
Trọn đời cống hiến cho cách mạng
Trải qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng vào Nam ra Bắc, ông đã từng giữ nhiều trọng trách quan trọng và đặc biệt của Đảng. Giai đoạn về sau, ông được cử làm Trưởng ban miền Nam của Trung ương, tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.
Từ sau giải phóng đến năm 1986, ông được phân công đảm nhận nhiều trọng trách: Phó Ban đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phụ trách công tác đặc biệt; Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao; Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội Đảng lần thứ VI (1986); Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Là một cán bộ lãnh đạo tài năng trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, ngoại giao, tổ chức..., ở cương vị công tác nào, ông cũng tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần lạc quan cách mạng và một dũng khí chiến đấu kiên cường, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió vào Nam ra Bắc, ông đã đem hết trí lực, tâm huyết, trí tuệ và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do của đất nước, của dân tộc. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
NGUYỄN HUỲNH HUYỆN