Xem - Nghe - Đọc
● Hà Nội - ký ức ngày lịch sử. Phim tài liệu của Đài Truyền hình Hà Nội, phát lúc 11 giờ ngày 10.10.67 năm trước, đúng vào ngày 10.10 những anh bộ đội Cụ Hồ đã “lớp lớp đoàn quân tiến về” Hà Nội, về với trái tim nước Việt sau 9 năm trường xa cách. Những thước phim sẽ vừa đưa ta đến với ngày xưa, rộn ràng với thời khắc lịch sử của 67 năm trước vừa hân hoan với nhịp sống của Hà Nội hôm nay.
● 10 ca khúc hay về Hà Nội. Hà Nội đẹp từ thơ ca đến hình ảnh và nguồn cảm hứng bất tận từ vùng đất này khiến việc có nhiều ca khúc hay về Hà Nội như một lẽ tự nhiên từ xa xưa cho đến nay.
Các ca khúc có trong album: Em ơi Hà Nội phố (thơ: Phan Vũ, nhạc: Phú Quang - trình diễn: Bằng Kiều); Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp - Hồng Nhung); Có phải em mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc - Hồng Nhung); Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung); Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải - Cẩm Vân); Hà Nội và Em (Phú Quang - Đinh Mạnh Ninh), Hà Nội và Tôi (Lê Vinh - Minh Quân); Hà Nội đêm trở gió (Trọng Đài - Mỹ Linh); Hà Nội ngày trở về (Phú Quang - Trọng Tấn); Nồng nàn Hà Nội (sáng tác và trình diễn: Nguyễn Đức Cường)… Link: https://bitly.com.vn/o8rs6z
● Tiếng người trong văn. Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, có thể xem là một tiểu hồi ký của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng vào bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam như: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo... Tiếng người trong văn ẩn chứa những gì mà lúc sinh thời, từ chục năm trở lại đây, nhà văn đã chỉ cười hiền im lặng trước nhiều lời hỏi gặng. Đời văn Nguyễn Xuân Khánh không hề đơn giản, nên để ông tự nói lên được những điều sâu kín đó không phải dễ dàng. Tiếng người trong văn có thể xem là cái nhìn ngoái lại lần cuối của cố nhà văn, và gửi một nụ cười đôn hậu để ông thanh thản trở về cõi người hiền thênh thang mây trắng.
ĐÔNG A