Chuyển đổi nhận thức để chuyển đổi số
Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức.
Đó là quan điểm chỉ đạo đầu tiên được đề cập tại Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo TS Trần Hải Định - giảng viên bộ môn Pháp luật, Hành chính và Tổ chức (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Huế), sự ra đời của Nghị quyết số 05-NQ/TU tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh Bình Định trong cải cách hành chính nói chung, xây dựng chính quyền điện tử nói riêng.
Thanh niên phải đi đầu
Nghị quyết đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao đối với 4 lĩnh vực: Tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.
ĐVTN TX Hoài Nhơn hướng dẫn người dân sử dụng QR Code để theo dõi sức khỏe, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thị đoàn Hoài Nhơn
Để tạo được nền móng chuyển đổi số, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên vẫn là chuyển đổi nhận thức. Giải pháp cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị mình.
Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong chuyển đổi số. Thanh niên phải là lực lượng xung phong đi đầu thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo; phải là những người đầu tiên, tích cực nhất giúp chuyển đổi số đi vào đời sống ở địa phương.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Ðịnh và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Ðô thị phụ trợ Long Vân. Có ít nhất 3 đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Ðến năm 2030, Bình Ðịnh trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về chuyển đổi số; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân.
ĐVTN cũng là chủ thể quan trọng để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số. Cụ thể là tiên phong trong việc phổ cập kiến thức và hướng dẫn các DN, hộ kinh doanh và người dân tiếp cận với công nghệ số, thành thạo sử dụng các nền tảng số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử… để phục vụ việc kinh doanh, bán hàng một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc hình thành các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An nêu quan điểm: “ĐVTN là lực lượng xã hội rộng lớn, có tri thức và tràn đầy nhiệt huyết. Tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào vai trò của ĐVTN với kết quả chuyển đổi số. Văn phòng UBND tỉnh đang chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của ĐVTN trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2026”. Đây là cơ sở quan trọng để ĐVTN tham gia sâu hơn vào công cuộc chuyển đổi số”.
“Ý thức được vai trò trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, tuổi trẻ Bình Định cam kết sẽ là lực lượng xung kích, tiên phong đi đầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh”, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Duy Trung khẳng định.
Làm việc từ xa - xu thế tất yếu
Để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, thời gian qua, rất nhiều cơ quan, đơn vị đã áp dụng hình thức làm việc từ xa. Theo ông Lê Ngọc An, với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, làm việc từ xa đã thể hiện rõ ưu thế để giải quyết nhanh chóng, kịp thời rất nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác.
Chấp nhận và thử nghiệm cái mới
“Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số. Chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Thể chế kiến tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo số, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh”.
(Trích Nghị quyết số 05-NQ/TU)
“Để phát triển chính quyền số, Nghị quyết 05-NQ/TU nhấn mạnh giải pháp mang tính thời sự cao là triển khai thử nghiệm mô hình làm việc từ xa trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để mô hình làm việc từ xa ngày càng phổ biến hơn”, ông An nhìn nhận.
Cùng với đó, để phát triển chính quyền số, cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Cụ thể, hoàn thiện trung tâm dữ liệu theo hướng thuê dịch vụ, mạng - truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu; xây dựng kho dữ liệu dùng chung; các địa phương, các ngành tập trung, khẩn trương số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tập trung, thông suốt; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy, ký số... nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha đánh giá cao giải pháp đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với người dân, DN. Cùng với đó là xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, DN khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
“Có những giải pháp đã triển khai, nay tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh như tập trung xây dựng hệ thống dịch vụ đô thị thông minh: Hệ thống giám sát giao thông, an ninh thông minh...”, ông Kha cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG