Một công ty khai thác đất sét sai giấy phép
Theo phản ánh của một số hộ dân tại xóm 1 và 2, thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), trong quá trình khai thác đất sét làm gạch, ngói trong diện tích dự án “Cải tạo đất sản xuất kém hiệu quả”, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cát Tường khai thác hạ cốt đất sâu hơn mức cho phép, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của các hộ dân khác.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 78/GP-UBND của UBND tỉnh ngày 7.7.2021, cho phép Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cát Tường (Công ty Cát Tường) có địa chỉ tại TP Quy Nhơn được khai thác đất sét làm gạch, ngói trong diện tích dự án “Cải tạo đất sản xuất kém hiệu quả” tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn). Diện tích được khai thác là 1,68 ha, được giới hạn bởi các điểm từ 1 đến 18 có tọa độ xác định. Khối lượng được khai thác và vận chuyển ra ngoài là 12.668 m3/4 tháng. Chiều sâu khai thác (hạ cốt) từ 0,9 m - 1,2 m (giữ lại 0,3 m lớp đất mặt để hoàn thổ).
Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, kiểm tra thực tế tại mỏ đất sét tại thôn Hòa Thuận. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Ngày 4.10, phóng viên (PV) Báo Bình Định đã có buổi làm việc trực tiếp và được Chủ tịch UBND xã Tây Thuận Nguyễn Văn Chín dẫn đến cánh đồng có tục danh Bình Dân thuộc khu mỏ đất sét của công ty được cấp phép nói trên. Theo ghi nhận tại hiện trường, xung quanh khu mỏ đều được cắm mốc giới rõ ràng, nhưng tại một số điểm mốc lại có dấu hiệu múc đất sét sâu hơn mức cho phép, có những vị trí sâu ước khoảng gần 3 m; bên cạnh đó, nhằm che giấu những điểm khai thác sâu, đơn vị thi công dùng đất từ bên ngoài đổ vào hoàn thổ lại những vị trí nói trên.
Khi PV làm việc với người tự xưng là quản lý của khu mỏ đất sét, thì người này khẳng định đội thi công làm đúng giấy phép; và để chứng minh người này dùng thước đo từ bờ đất xuống mặt đất đã hạ cốt có độ sâu ước chừng 2,5 - 2,6 m. Song, người này cho rằng vị trí đo là rãnh nước nên không đúng với thực tế (?!).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chín xác nhận sự việc mà người dân phản ánh là đúng và cho biết thời gian tới, sẽ yêu cầu công ty này phải cam kết thực hiện đúng theo giấy phép mà UBND tỉnh đã cấp.
Mặt khác, chúng tôi được biết, một số người trong đội thi công khu mỏ đất sét còn “lợi dụng” giấy phép được cấp, mua thêm đất sét trên diện tích ruộng của nhiều hộ dân tại xóm 1 và 2, thôn Hòa Thuận, lý do là hỗ trợ cải tạo đất, với giá mua 15 triệu đồng/sào. Một số hộ đã đồng ý bán đất ruộng cho những người này với diện tích từ 1 - 6 sào/hộ.
Sau khi tiếp nhận những thông tin và hình ảnh PV cung cấp về việc Công ty Cát Tường khai thác không đúng theo giấy phép, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn, cho biết: Về vấn đề mà Công ty làm sai, Phòng vẫn chưa nắm được thông tin từ xã; khu vực của Công ty đang thực hiện lấy đất là dự án hạ cao trình ruộng kết hợp với tận thu đất sét, hợp đồng là 3 tháng. Khi hạ cao trình, công ty chỉ được lấy đất ra, không được đổ đất vào. Ngoài ra, tại mỏ đất sét phải lắp đặt 3 camera nhằm giám sát hoạt động thi công, nhưng Công ty không lắp theo phương án đã đề ra. Về hướng xử lý, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện, nếu Công ty làm sai, tùy theo mức độ, có thể phạt hành chính, truy thu hoặc đề nghị rút giấy phép.
Cũng theo ông Dũng, việc các đối tượng lợi dụng được cấp phép để mua đất ruộng của người dân là sai. Phòng sẽ gặp người dân xóm 1 và 2, thôn Hòa Thuận nhằm tuyên truyền cho họ hiểu về vấn đề này, đồng thời lập biên bản sự việc. Vì để xảy ra tình trạng lấy đất từ ruộng của người dân chuyển ra ngoài là vi phạm pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng, trước khi thống nhất đề án Công ty khai thác đất sét tại địa phương thì Chủ tịch UBND xã Tây Thuận đã đề xuất và ký cam kết trước huyện sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại mỏ đất sét. “Vì vậy, nếu Công ty đó không thực hiện đúng thì Chủ tịch UBND xã Tây Thuận phải chịu trách nhiệm. Về sự việc trên, huyện sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT và các lực lượng chức năng của huyện kiểm tra thực tế tại mỏ đất sét, nếu Công ty làm sai thì huyện sẽ đình chỉ khai thác và đề nghị tỉnh rút giấy phép”, ông Hùng nói.
CHƯƠNG HIẾU