Cho vay hỗ trợ tái đàn bò theo quyết định 4019: Góp phần khôi phục chăn nuôi
Sau khi khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4019/QÐ-UBND ngày 30.9.2021 quy định chính sách hỗ trợ phát triển tái đàn bò trên địa bàn tỉnh. Chính sách ban hành kịp thời khuyến khích người chăn nuôi gầy đàn, từng bước khôi phục chăn nuôi bò, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
Thống kê của ngành Nông nghiệp cho biết, đến hết tháng 9.2021, đàn bò trong tỉnh có 295.820 con, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đạt 90% tổng đàn, dịch bệnh VDNC đã được kiểm soát tốt. Đây là điều kiện quan trọng để UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.
Cho vay tái đàn bò giúp phát triển chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
- Trong ảnh: Mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao của một gia đình ở huyện Hoài Ân. Ảnh: THU DỊU
Nói về chính sách này, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho hay: Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, đang lúc khó khăn lại được hỗ trợ vay vốn tái đàn với điều kiện, lãi suất ưu đãi, người chăn nuôi rất phấn khởi, điều này sẽ góp phần phục hồi sản xuất, ổn định thị trường chuẩn bị tết Nguyên đán.
Có tổng cộng 45 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tái đàn bò, trong đó vốn do trung ương hỗ trợ là 30 tỷ đồng, vốn địa phương là 15 tỷ đồng. Theo đó huyện Phù Mỹ được phân bổ nhiều nhất: 9,375 tỷ đồng; Tây Sơn 9,15 tỷ đồng; Phù Cát 6,6 tỷ đồng; TX An Nhơn 5,85 tỷ đồng; TX Hoài Nhơn 4,5 tỷ đồng; Vĩnh Thạnh 3,45 tỷ đồng; An Lão 2,1 tỷ đồng; Tuy Phước 1,95 tỷ đồng; Hoài Ân 1,05 tỷ đồng; Vân Canh 600 triệu đồng; TP Quy Nhơn 375 triệu đồng. Hiện các địa phương đang khẩn trương lập danh sách, phê duyệt và chuyển sang Ngân hàng CSXH để triển khai thực hiện.
Trong đợt dịch VDNC vừa qua, huyện Phù Mỹ có 686 hộ chăn nuôi có trâu bò mắc bệnh bị chết, phải tiêu hủy, đủ điều kiện vay vốn. Sáng 12.10, UBND huyện Phù Mỹ phê duyệt quyết định cho vay và chuyển thông tin đến Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ thực hiện.
“Trong 5 tháng xảy ra dịch bệnh VDNC, Bình Ðịnh có 3.347 con bò chết, tiêu hủy (chiếm tỷ lệ 1,07% tổng đàn bò). Nhờ khoanh vùng dịch kịp thời, tiêm vắc xin nhanh, tỉnh ta khống chế được dịch bệnh; tỷ lệ đàn bò tăng so với cùng kỳ năm 2020. Việc triển khai chính sách này nhằm hỗ trợ trực tiếp các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời cũng là bước đệm để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò nông hộ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nhìn nhận: So với những đợt hỗ trợ tương tự trước đây, năm nay tỉnh ta lên kế hoạch và triển khai rất nhanh. Việc tái đàn thành công không chỉ giúp các hộ gia đình ổn định kinh tế, mà còn góp phần phục hồi sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập. Bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện các thủ tục nhanh gọn để người chăn nuôi hưởng lợi, chính quyền các cấp của huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch; đảm bảo chăn nuôi ngày càng an toàn, hiệu quả. Đặc biệt sau dịch bệnh nhiều hộ đã quan tâm đầu tư để chuyển dần sang chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững.
Nhờ đã chuẩn bị từ trước, nên khi tỉnh có chính sách, huyện phê duyệt chủ trương, Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ triển khai giải ngân đợt đầu tiên cho người chăn nuôi có nhu cầu vay vốn ở 2 xã Mỹ Hòa và Mỹ Trinh ngay trong ngày 13.10; dự kiến sẽ giải ngân toàn bộ số vốn được tỉnh phân bổ trước ngày 31.10, với 686 hộ tại 19 xã, thị trấn trong huyện được vay. Ông Phan Phương Trình, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, chia sẻ thêm: “Trước đó, chúng tôi đã thực hiện một đợt cho vay tương tự để bà con tái đàn heo, quy mô 10 tỷ đồng/190 hộ. Đến tháng 7.2021 đã thu hồi 100% số tiền này và chuyển nguồn sang cho vay tạo việc làm trên địa bàn huyện. Cá nhân tôi tin rằng người chăn nuôi bò cũng sẽ thành công như vậy”.
Tương tự, huyện Hoài Ân thống kê danh sách 84 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh VDNC. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện rà soát, thống kê danh sách báo cáo Phòng NN&PTNT huyện trình UBND huyện phê duyệt. Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, đợt dịch VDNC vừa qua, huyện Hoài Ân kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, thiệt hại so với các địa phương khác ít hơn; tổng đàn bò của huyện là 22.580 con, đến nay địa phương triển khai tiêm vắc xin đợt 2.2021 cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo theo đúng kế hoạch.
THU DỊU