NGÀY QUỐC TẾ GIẢM NHẸ RỦI RO THIÊN TAI 13.10:
“Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép”
(BĐ) - Sáng 13.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13.10) và Ngày ASEAN quản lý thiên tai.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu vào năm 1989 do Đại hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng, nhằm tôn vinh các nỗ lực và văn hóa toàn cầu trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai. Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13.10 hàng năm. ASEAN cũng lấy ngày này để kỷ niệm Ngày ASEAN quản lý thiên tai.
Năm 2020, mưa lũ lớn làm sạt lở nhiều tuyến giao thông tại Bình Định. Trong ảnh: Tuyến đường lên xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) bị sạt lở nhiều đoạn. Ảnh: THU DỊU
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021 có chủ đề “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép” nhấn mạnh đến bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với thảm họa chưa từng có là đại dịch Covid-19 và thiên tai diễn ra phức tạp, cực đoan. Các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có ảnh hưởng lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề này, cùng nhau vượt qua thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh.
Tại Việt Nam, thiên tai tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống xã hội. Năm 2020, nước ta ghi nhận thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường và khốc liệt với 16 loại hình gồm: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc và mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 86 trận động đất; hạn mặn, xâm nhập mặn; sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Hậu quả của thiên tai làm 291 người chết, 64 người mất tích, 876 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã xảy ra 17 loại hình thiên tai, làm 61 người chết và mất tích, 72 người bị thương; ước tính thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, cho hay: Nhiều năm qua, Việt Nam tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại trong công tác ứng phó với thiên tai. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền các cấp và hợp tác của người dân, Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng chống thiên tai. Với quốc tế, quan điểm của Việt Nam cùng hợp tác để xây dựng khối đoàn kết, tạo nên sức mạnh chung, cũng chính là chìa khóa giúp các quốc gia vượt qua dịch bệnh, rủi ro. Việt Nam luôn là nước chủ động chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn của Ủy ban ASEAN về giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, Việt Nam luôn chủ động phối hợp với các nước trên thế giới, gắn bó chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng Chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021 - 2025. Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy ước quốc tế phòng chống thiên tai. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, chuyển giao các ứng dụng KHCN trong phòng chống thiên tai...
Tại buổi lễ, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã vinh danh các tổ chức quốc tế có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2020.
THU DỊU