Bước tiến của phong trào nhiếp ảnh
Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Bình Định trong tiến trình hội nhập và phát triển” (do Hội VHNT tỉnh tổ chức) đã nhận được 269 ảnh của 36 tác giả trong tỉnh tham dự. Kết quả chấm, có 11 bức đoạt giải và 70 bức khác dự treo triển lãm.
Giới thiệu, quảng bá quê hương qua ảnh
Có thể nói, ảnh tham gia Cuộc thi và triển lãm lần này đã đáp ứng khá tốt đề tài “Bình Định trong tiến trình hội nhập và phát triển” của Ban tổ chức đưa ra, chủ yếu phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống; đời sống con người Bình Định trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội…; đặc biệt là truyền thống thượng võ của con người miền đất Võ.
Một trong những tác phẩm gây ấn tượng mạnh tại Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật lần này là tác phẩm đoạt giải Nhất“Luyện võ Bình Định” của tác giả Nguyễn Văn Hà, được sáng tác vào tháng 4.2014, ghi lại cảnh dạy võ, luyện võ của người võ sư già cùng các học trò bên tháp Chăm sừng sững, rêu phong (tại quần thể tháp Bánh Ít). Bức ảnh “ghi điểm” không chỉ ở sức chứa đựng và giá trị tiêu biểu về nội dung khi giới thiệu được cả hai di sản văn hóa tiêu biểu của Bình Định (di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền và di sản văn hóa vật thể di tích tháp Chăm) mà còn ở sự mới mẻ về ý tưởng và độc đáo trong thể hiện. Tác giả Nguyễn Văn Hà chia sẻ: “Để chụp bức ảnh này, tôi đã chuẩn bị rất kỹ và phải nói là kỳ công. Tôi đến tháp Bánh Ít nhiều lần để khảo sát, nghiên cứu góc ảnh, chụp thử để chọn thiết bị… Tháp nằm trên đồi cao, không thể đứng dưới đất mà chụp lấy được trọn không gian tháp, tôi phải mang theo cái thang 3m để chụp cho có góc ảnh trên cao. Bộ võ phục màu đỏ mà thầy trò võ đường Lê Xuân Cảnh mặc trong ảnh không chỉ tạo yếu tố thẩm mỹ về màu sắc, mà tôi tìm hiểu và biết được đó là y phục của lính thời Tây Sơn. Trong ý tưởng sáng tạo của mình, tôi mong muốn thực hiện những bức ảnh ấn tượng về Võ cổ truyền Bình Định cũng như về quê hương mình nói chung. Không đợi đến khi tham gia cuộc thi hay triển lãm nào, chụp và xử lý hậu kỳ xong, tôi post ảnh lên facebook cá nhân để chia sẻ, giới thiệu đến rộng rãi mọi người”.
Các tác phẩm đoạt giải khác: “Bánh tét dâng vua” của Lê Văn Cảnh (giải Nhì), “Bài chòi Bình Định” của Đặng Thanh Phương và “Chốn bồng lai” của Nguyễn Ngọc Tuấn (cùng giải Ba)… cũng ghi lại những khoảnh khắc, không gian văn hóa, cảnh sắc đẹp của Bình Định, tạo nhiều cảm xúc cho người xem. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đồng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi ảnh, trong quá trình xem và chấm ảnh đã rất bất ngờ khi biết ở Bình Định có nhiều cảnh đẹp cả về phong cảnh tự nhiên lẫn các công trình kiến trúc, di tích lịch sử… “Biển, đồi cát, gành đá, ruộng bậc thang và cả những di sản văn hóa độc đáo như võ, tuồng, bài chòi, tháp Chăm... là lợi thế lớn để các tay máy Bình Định thỏa sức sáng tạo, tạo ra những bức ảnh đẹp về quê hương mình. Điều còn lại là cũng với những đối tượng ảnh như thế, đề tài cũ, chúng ta phải khai thác, tìm tòi, thể hiện sao cho mới”, NSNA Đồng Đức Thành nhấn mạnh.
“Hé lộ” tiềm năng lớn
Theo NSNA Đồng Đức Thành, đề tài “Bình Định trong tiến trình hội nhập và phát triển” vừa là một dạng đề tài phục vụ chính trị, dân sinh song cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là đề tài tự do. Là cuộc thi ảnh nghệ thuật song với đề tài này, nhiều ảnh tham gia có sự chồng lấn giữa thể loại ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật là điều dễ hiểu và không tránh khỏi. Tuy vậy, nhiều tác giả đã xử lý khéo léo, tạo hiệu quả hài hòa giữa hai yếu tố - tính báo chí và tính nghệ thuật trong ảnh.
“Tuy chưa hội tụ đầy đủ song từ số lượng 269 ảnh của 19/33 hội viên nhiếp ảnh trong tỉnh và 17 tác giả ngoài hội viên tham gia Cuộc thi cũng như ở chất lượng của ảnh, hé lộ một tiềm năng lớn của nhiếp ảnh Bình Định. Điểm mạnh của các tác giả là đã chọn đúng và thể hiện thành công những đề tài thế mạnh, có sức điển hình cao khi nói đến Bình Định. Tuy trình độ kỹ thuật chụp ảnh giữa các tay máy còn cho thấy một mức độ chênh lệch song đã có nhiều bức ảnh ấn tượng, xuất sắc, thể hiện lòng đam mê, sự sáng tạo đối với đề tài và một trình độ kỹ thuật giỏi”, NSNA Đồng Đức Thành nhận xét.
Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của các tay máy mới và kết quả thành công bước đầu mà họ đạt được qua các tác phẩm cũng là dấu hiệu đáng mừng của nhiếp ảnh Bình Định. Những gương mặt mới như Nguyễn Văn Hà, Đặng Thanh Phương, Tô Hồng Phương, Lê Văn Cảnh… cùng các tay máy trẻ: Đào Phan Minh Cần, Võ Trần Đại Hải, Phạm Minh… hy vọng sẽ “bổ sung nhân lực” và đóng góp vào sự phát triển chung của phong trào nhiếp ảnh.
Theo ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật lần này được mở ra vừa để tạo cơ hội cho hội viên, tay máy Bình Định giới thiệu tác phẩm mới, khuyến khích phong trào nhiếp ảnh trong tỉnh phát triển vừa thiết thực chuẩn bị cho Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên lần thứ XIX, sẽ diễn ra vào tháng 8.2014. Đây là kỳ liên hoan ảnh cấp khu vực do Bình Định đăng cai, một hoạt động nằm trong chương trình hưởng ứng Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V. Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật lần này được xem là “cú đề -pa” cho nhiếp ảnh Bình Định khi tham gia sân chơi ở khu vực.
SAO LY