Nhân lên niềm tin để chiến thắng đại dịch
Niềm tin xã hội có được từ niềm tin của từng cá nhân, từng gia đình khi được tiếp sức để vượt qua những tháng ngày khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Niềm tin ấy được vun đắp qua thời gian sẽ trở thành liều “vắc xin tinh thần”, là nền tảng quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến với dịch Covid-19 được xác định còn lâu dài, gian khổ...
Trong con hẻm nhỏ thuộc KV 4, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, có ngôi nhà đơn sơ ngổn ngang phế liệu. Đó là chỗ mua bán, mưu sinh cũng là nơi ở của gia đình chị Nguyễn Thị Nhân, 37 tuổi. Mẹ chị Nhân - bà Nguyễn Thị Mười năm nay 66 tuổi, là người khuyết tật nặng (bị lao xương, phải mang khung xương giả). Chị Nhân lại một mình nuôi 2 con, đứa lớn năm nay lên lớp 9, đứa nhỏ chỉ hơn 2 tuổi. Cuộc sống muôn vàn khó khăn.
Được nhận hỗ trợ kịp thời, gia đình chị Nguyễn Thị Nhân đỡ phần khó khăn trong giai đoạn mất thu nhập vì Covid-19. Ảnh: K.T
“Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, mẹ con tôi không mua bán gì được. Nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ, già trẻ lớn nhỏ nhà tôi phần nào đỡ lo cái ăn trong những ngày thiếu thốn này”, chị Nhân chia sẻ.
Gia đình chị Nhân là một trong nhiều trường hợp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn phường Ghềnh Ráng được nhận hỗ trợ. Theo bà Trương Thị Vinh, công chức văn hóa - xã hội của UBND phường Ghềnh Ráng, đến nay đã có 159 người bán hàng rong, 41 người mua bán các mặt hàng không thiết yếu trong chợ và 83 người làm nghề xe thồ, bốc vác... được chi trả hỗ trợ.
“Chúng tôi phổ biến đến tận nhà thông tin chế độ hỗ trợ, có hồ sơ nào là triển khai ngay, lắt nhắt cũng làm, chứ chờ nhiều hồ sơ cùng lúc thì ngại bà con đợi chờ sốt ruột. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước tuy không nhiều nhưng là sự động viên, khích lệ rất lớn cho từng người, từng nhà trong lúc ngặt nghèo để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Vinh cho hay.
Có thể thấy, việc khẩn trương rà soát, thẩm định và triển khai chi trả kịp thời các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động… trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã lan tỏa, phát huy được tính thiết thực và nhân văn của chính sách. Cùng với đó là rất nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao của Mặt trận và hội đoàn thể các cấp; sự chung tay đầy tình cảm của cộng đồng.
Không chỉ đảm bảo công tác an sinh trên địa bàn, hoạt động này còn góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các thông tin, dữ liệu về tình hình, diễn biến dịch và công tác hỗ trợ được cập nhật thường xuyên, liên tục và minh bạch tới toàn dân ngay cả trên mạng xã hội tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin chính thống. Đây cũng là “bức tường” ngăn chặn thông tin sai lệnh làm nhiễu loạn lòng dân.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi chính sách, cần chú trọng khâu kiểm tra, giám sát. Để việc hỗ trợ đến đúng đối tượng, niềm tin của người dân không bị sứt mẻ, rất cần thiết phải kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những “con sâu làm rầu nồi canh”. Như mới đây, CA quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố một vụ án, bị can về tội “Tham ô tài sản”. Tham gia ban điều hành một khu phố ở quận này, bị can bị cáo buộc đã “ăn chặn” tiền từ các gói hỗ trợ của Nhà nước dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mặt khác, để phát huy những giá trị tinh thần trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, cần coi trọng việc khen thưởng, cổ vũ, tri ân kịp thời đối với những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp, cống hiến và hy sinh. Chẳng hạn, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định truy tặng bằng khen cho 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống dịch Covid-19 ở TP HCM.Tham gia phòng, chống dịch ở cơ sở với vai trò là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, thành viên lực lượng bảo vệ dân phố… quá trình chống dịch họ bị nhiễm Covid-19 và qua đời.
KHẢI THƯ