Vài nét về làng cổ Nhơn Châu
Nhơn Châu xưa có tên là Thanh Châu thuộc phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nay là xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, là một làng cổ còn khá nguyên vẹn hình hài của nó cách nay trên 1 thế kỷ.
Dựa vào niên đại ghi trên tấm bia gỗ ghi công đóng góp xây dựng miếu Thanh Minh (thôn Đông) vào Thành Thái năm thứ 8 tức là năm 1896 và bức liễn treo ở chánh điện ghi Thành Thái năm Mậu Tý (1888), cách nay trên 1 thế kỷ Nhơn Châu đã chính thức lập làng trở thành một đơn vị hành chính, có con dấu riêng như bao làng khác trong vùng.
Trong các sắc phong của nhà Nguyễn dưới triều Bảo Đại ban sắc phong thần cho đình làng và các miếu của làng cho biết Nhơn Châu xưa có tên là Thanh Châu thôn, nhưng trong Đại Nam nhất thống chí chép “Hòn Thanh Châu thuộc thôn Chánh Thành ở phía nam huyện, tục gọi là Cù Lao là trấn sơn của biển Thi Nại, đầu đời Gia Long thuộc huyện Đồng Xuân, đạo Phú Yên, đến giữa năm Minh Mệnh đổi lệ vào huyện Tuy Phước”. Như vậy, về hành chính đảo Nhơn Châu trước khi thuộc Bình Định đã thuộc Phú Yên. Thực ra vùng đất này trong lịch sử từ thế kỷ 15 thuộc người Chăm quản lý, dấu tích cư trú của họ để lại trên hòn đảo này còn lại khá rõ, đó là những giếng cổ, hiện nay còn 3 giếng khá tốt. Ngoài ra, còn miếu thờ nữ thần Thiên y Ana (người mẹ xứ sở), người Việt gọi là bà chúa Ngọc. Trong nhật ký hàng hải quan phương Đông từ thế kỷ 16 -17 của người Bồ Đào Nha gọi Nhơn Châu là Poulo Gambir (mọi biển), người Việt gọi là Cù Lao Xanh, có diện tích 5 km2, chiều dài 4km, nơi rộng nhất 1,2km.
Với những dấu vết còn lại như gạch, giếng cổ, miếu cổ… cho biết một cách chắc chắn từ xa xưa, chí ít trước thế kỷ 15, người Champa cổ đã đến định cư Nhơn Châu, hoặc là căn cứ tiền tiêu án ngữ, kiểm soát lãnh hải, bảo vệ đất nước dưới các vương triều Champa và Đại Việt sau này. Theo những bậc cao niên của xã đảo cho biết, người đầu tiên đến định cư Nhơn Châu có nguồn gốc Mỹ Thọ (Phù Mỹ), ông này do bị tội với nhà nước nên đưa ra định cư tại đảo này, sau thấy vùng đảo ăn nên, làm ra nên dần đưa thêm họ hàng thân thích và dân làng mình ra ở, sinh cơ lập nghiệp tại đây. Những dòng họ đến định cư ở Nhơn Châu gồm họ: Nguyễn, Phan, Trần, Đinh, Hồ, Lê. Nhưng có lẽ đông nhất là họ Nguyễn và Trần. Trong tấm bia gỗ công đức trong miếu Thanh Minh ghi họ Nguyễn có 21 người, họ Trần 10 người là hai họ có nhiều người bỏ tiền cúng nhiều nhất trong việc xây dựng miếu Thanh Minh.
Người Nhơn Châu chủ yếu sống bằng nghề biển, 90% cư dân làm nghề đánh bắt hải sản, chỉ 10% làm nông, nhưng hiện nay số người làm nghề nông đã chuyển sang buôn bán. Một đặc tính của người Việt sau khi lập làng xong việc làm đầu tiên là xây đình làng. đình là nơi thờ người có công với làng với nước tôn lên thành “thần hoàng làng”. Người Nhơn Châu khi đến lập làng cũng dựng đình làng thần hoàng là “bổn cảnh thần hoàng”; là “thiên thần” không phải “nhân thần” cho nên thần hoàng làng ở Nhơn Châu không có hành trang cụ thể, nhưng là vị thần bảo hộ cho dân làng. điều đặc biệt Nhơn Châu là làng duy nhất thần hoàng làng còn sắc phong. Sắc Thần hoàng làng Nhơn Châu có niên đại “Bảo Đại năm thứ 8” được ban sắc phong “Đôn ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”.
Người Nhơn Châu quan niệm “vạn vật hữu linh”, tất cả đều là thần. Làng thờ “Ngũ hành” “Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” với 5 miếu thờ nằm ở góc bìa làng thờ 5 vị thần này, hiện nay vẫn còn nguyên.
TS.Đinh Bá Hòa