Nhân rộng mô hình truyền thanh thông minh
Chỉ cần một máy tính kết nối internet, bộ thu phát lắp sim 3G/4G và loa, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), hay còn gọi là truyền thanh thông minh đã đủ điều kiện để vận hành với chất lượng ổn định. Mô hình đang được Sở TT&TT khuyến khích triển khai nhân rộng.
Nhận được thông báo nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, chỉ vài ba phút sau, chị Nguyễn Thị Phương Kiều, Trưởng Đài truyền thanh xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước đã phát bản tin lên hệ thống loa của xã trong giọng đọc nữ nhẹ nhàng, trong trẻo.
Đài truyền thanh xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước sản xuất chương trình địa phương bằng công nghệ CNTT-VT. Ảnh: HỒNG HÀ
Chị Kiều cho biết: “Nhờ hệ thống truyền thanh thông minh, việc sản xuất chương trình được số hóa nên mọi thứ giờ rất đơn giản. Mình chỉ cần nhập nội dung văn bản vào phần mềm, hệ thống tự chuyển đổi nội dung bản tin thành giọng nói. Giọng nữ vừa rồi là máy đọc nên không bị vấp, không đọc sai. Còn âm thanh trong, không bị nhiễu hay nhại tiếng là nhờ sử dụng cụm loa thu phát kỹ thuật số. Đây là thiết bị không dây, sử dụng sóng di động 3G/4G của mạng viễn thông để truyền tải dữ liệu âm thanh từ hệ thống đến thẳng các cụm loa”.
Truyền thanh thông minh là giải pháp công nghệ mới của MobiFone, triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây. Giải pháp ứng dụng công nghệ IP để truyền, nhận bản tin; công nghệ IoT (Internet vạn vật) để quản lý các thiết bị phát thanh; công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI Text-to-speech) để chuyển đổi văn bản thành bản tin phát thanh cùng nhiều công nghệ tiên tiến khác”.
Ông NGUYỄN VĂN HÒA, Giám đốc MobiFone Bình Định
Dù đưa vào sử dụng chưa lâu, mô hình đài truyền thanh thông minh đã được người dân xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn chú ý lắng nghe. Chị Võ Thị Minh Thuận, Trưởng Đài truyền thanh xã Nhơn Lý chia sẻ: Mỗi ngày, chúng tôi phát 3 lần: Sáng sớm, giữa buổi sáng và chiều. Nếu phát thanh sóng FM đòi hỏi nhân viên kỹ thuật đài phải trực tại chỗ để điều khiển phát, tắt, mở và hiệu chỉnh âm thanh thì truyền thanh thông minh cho phép cán bộ đài xã có thể xây dựng chương trình và thu âm trước, cài đặt hẹn giờ để phát sóng. Việc điều khiển cũng như kiểm tra toàn bộ hệ thống có thể thực hiện từ xa, mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet. Với công nghệ mới, về mặt kỹ thuật việc vận hành hệ thống truyền thanh nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều.
Ông Phan Minh Hùng, một người dân ở xã Nhơn Lý cho hay: Nhờ nghe đài truyền thanh mà tôi và bà con ngư dân ở đây cập nhật được những thông tin cần thiết, nhất là dự báo thời tiết trong mùa mưa bão hay tình hình dịch bệnh Covid-19. So với trước, âm thanh giờ nghe rõ ràng hơn, gần như không còn bị rè, nhiễu tạp âm.
Từ đầu năm 2021, Sở TT&TT đã triển khai thí điểm mô hình đài truyền thanh thông minh tại 3 xã: Phước Hưng (huyện Tuy Phước), Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân). Đặc biệt, huyện Tây Sơn là địa phương đi đầu trong tỉnh khi triển khai hệ thống truyền thanh thông minh tới 7 trong tổng số 15 đài xã. “Truyền thanh thông minh giúp giải quyết được bài toán thiếu nhân lực làm truyền thanh cơ sở hiện nay!” - ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn đúc kết.
Tuy nhiên, để phát huy ưu thế của truyền thanh thông minh nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi. Hiện nay vì nhiều lý do đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh xã vốn đã mỏng nay còn mỏng thêm do phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chất lượng nội dung, chương trình phát sóng còn thấp, hiệu quả tuyên truyền hạn chế. “Theo tìm hiểu của tôi, hầu hết các đài xã trong tỉnh chỉ có một biên chế và biên chế đó phải thực hiện tất cả các khâu từ sản xuất chương trình đến lên sóng, cùng với đó còn phải kiêm nhiệm nhiều việc khác. Để phát huy thế mạng của truyền thanh thông minh đòi hỏi người làm truyền thanh phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực trình độ và phải có chế độ đãi ngộ cho họ tốt hơn” - bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước chia sẻ.
Nói về vấn đề khuyến khích các địa phương đầu tư chuyển sang truyền thanh thông minh, ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay: “Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo cho cán bộ truyền thanh cơ sở. Dự kiến, đến năm 2025, toàn bộ hệ thống đài truyền thanh trong tỉnh đều ứng dụng CNTT-VT”.
HỒNG HÀ