Vắc xin, các hãng dược và những nước “có điều kiện”
Rút kinh nghiệm phải tranh giành vắc xin căng thẳng, từ bây giờ một số nước đã bắt đầu đàm phán sớm để có được giá vắc xin hợp lý và đủ dùng cho chương trình tiêm tăng cường trong năm 2022.
Giữa tháng 8.2021, Vương quốc Anh đã “chốt đơn” 35 triệu liều Pfizer với giá 22 bảng/liều bất chấp việc mắc hơn 4 bảng so với hợp đồng trước đó. Với hợp đồng này Anh đặt mua tới 135 triệu liều của Pfizer-BioNTech.
Sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2 khiến nhiều nước lo lắng, dù vậy AstraZeneca và Johnson & Johnson vẫn tiếp tục cam kết cung cấp vắc xin trên cơ sở phi lợi nhuận. Thế nhưng Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cho biết, hãng sẽ tăng giá vào một thời điểm nào đó trong tương lai do AstraZeneca đang đầu tư rất lớn nghiên cứu công thức vắc xin mới đủ sức chống lại các biến thể nguy hiểm.
EU cũng đàm phán mua thêm 200 triệu liều vắc xin Novavax (Mỹ); Đan Mạch đã đặt 280 nghìn liều Novavax. Tại châu Á, Hàn Quốc đã chuẩn bị ngân sách để mua 50 triệu liều và hợp đồng sẽ được chốt trước khi kết thúc năm 2021. Mới đây, Nhật Bản cũng đã chốt hợp đồng mua 120 triệu liều Pfizer bắt đầu giao từ tháng 1.2022. Bên cạnh đó Nhật cũng đặt mua 50 triệu liều Moderna và sẽ nhận hàng trong năm 2022.
Việc các quốc gia “có điều kiện” liên tục mua thêm vắc xin làm dấy lên câu hỏi về việc phân phối vắc xin công bằng và liệu điều này có làm cơ hội mua được vắc xin của các nước khác giảm xuống hay không. Như một cách giải thích, trấn an, Chính phủ Anh nhấn mạnh cam kết “tặng 100 triệu liều vắc xin trong năm 2022 và đóng góp 548 triệu bảng Anh cho COVAX - cơ chế phân phối vắc xin công bằng được LHQ hậu thuẫn”.
Nhu cầu vắc xin ngừa Covid-19 vẫn rất lớn, điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu, sản xuất - kể cả những người đi sau. Giữa tháng 8.2021, Cơ quan Quản lý dược Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin ZyCoV-D, loại vắc xin dựa trên ADN đầu tiên trên thế giới. Vắc xin này sử dụng một phần vật liệu di truyền từ vi rút, như ADN hoặc ARN, để tạo ra protein mà hệ thống miễn dịch có thể nhận ra và đáp ứng.
Cũng sử dụng công nghệ ADN, tháng 9.2021, Công ty Mỹ Inovio Pharmaceuticals Inc sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên toàn cầu với vắc xin Covid-19 có tên INO-4800. Theo công ty, vắc xin sẽ được tập trung thử nghiệm ở Mỹ Latin, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi. Số liệu sẽ có trong nửa đầu năm sau.
Các nhà khoa học cho rằng ưu điểm của vắc xin công nghệ DNA là giá rẻ, an toàn và ổn định. Vắc xin ADN có thể bảo quản ở nhiệt độ từ -20C đến 80C, thời hạn sử dụng lên tới 5 năm; nếu bảo quản ở nhiệt độ 250C thời gian sử dụng của vắc xin là 3 tháng, là 1 tháng nếu nhiệt độ bảo quản là 370C. Đây là những yếu tố khiến việc trữ và vận chuyển vắc xin dễ dàng với bất kỳ quốc gia nào. Các hãng dược lớn như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, GlaxoSmithKline cũng xúc tiến thử nghiệm nhiều phiên bản mới của vắc xin Covid-19 hướng tới chống lại các biến thể mới.
ĐÔNG A (biên soạn)