Ðảm bảo an toàn phòng dịch trong vận tải hành khách
Cùng với các tỉnh thành khác, từ ngày 13.10, hoạt động vận tải hành khách đường bộ tại Bình Ðịnh tái khởi động theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có mặt tại các bến xe, nhà ga để ghi nhận những ngày đầu tiên nối lại giao thông sau nhiều tháng tạm dừng.
Tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng dịch
Khi tàu SE8 với 14 toa khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội dừng tại ga Diêu Trì vào lúc18 giờ 30 phút ngày 13.10 để trả, đón khách, tất cả cán bộ, nhân viên của tàu tuân thủ nghiêm việc không tiếp xúc trực tiếp với nhân viên ga, trừ trưởng tàu được phép vào ga để làm thủ tục tại phòng trực ban chạy tàu. Đồng thời, tất cả hành khách xuống ở các ga khác đều phải ở lại trên tàu. Trong chuyến tàu này, có 9 hành khách về Bình Định và 22 hành khách lên tàu đi các địa phương khác. Trước khi khách lên tàu, nhân viên ga Diêu Trì một lần nữa kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, thẻ tiêm vắc xin cũng như hướng dẫn hành khách tìm đúng vị trí ghế của mình.
Kiểm tra giấy tờ, thông tin hành khách trước khi lên tàu tại ga Diêu Trì. Ảnh: H.PHÚC
Được lên tàu trở về Hà Nội, anh Đào Đức Tiến không giấu được niềm vui. “Tôi vào TP Quy Nhơn công tác và bị kẹt lại hơn một tháng rồi. Dù rất nhớ nhà nhưng tôi cũng chỉ biết ở tại công ty và chờ đợi. Biết tin tàu Bắc - Nam chạy lại, tôi rất vui và ngay lập tức đi mua vé để được về nhà thật nhanh. Tôi sẽ thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch”, anh Tiến chia sẻ.
Cùng chung niềm vui, chị Từ Nguyễn Diệu Trang (ở TP Quy Nhơn) rất xúc động khi được từ TP Hồ Chí Minh trở về nhà đoàn tụ với con gái 3 tuổi. Chị Trang tâm sự: “Tôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định nên việc mua vé rất thuận lợi. Tuy thời gian lên tàu tại ga Sài Gòn và xuống tàu tại ga Diêu Trì có lâu hơn bình thường vì phải thực hiện các quy trình phòng, chống dịch, nhưng tôi cho rằng như vậy là cần thiết. Trong thời điểm này, việc đảm bảo an toàn cho mọi người phải được đặt lên hàng đầu”.
Còn tại Bến xe Trung tâm Quy Nhơn, lượng người ra vào bến thưa thớt, phần lớn là người đi gửi hàng hóa. Tối 13.10, ngoài vài xe vận chuyển hàng hóa thì chỉ có 2 xe xuất phát từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh; 1 xe có 3 khách, 1 xe có 7 khách, và mọi người đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, trình giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực.
Đến chiều 14.10, đã có khoảng chục đầu xe chạy tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh đưa xe chuẩn bị đón khách, nhưng vì nhu cầu đi của hành khách còn ít nên cuối cùng cũng chỉ có 4 đầu xe xuất bến.
Có 10 đầu xe vận tải chạy liên tỉnh, nhưng Công ty TNHH Vận tải Hoàng Dũng chỉ mới đăng ký 1 chuyến/ngày để duy trì hoạt động. Anh Phạm Nguyễn Quốc Huy, lái xe của Công ty, cho hay: “Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và cũng đã test âm tính trước khi lái xe. Chúng tôi tuân thủ đúng quy tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, ghi chi tiết danh sách hành khách và lưu lại 21 ngày để phục vụ công tác truy vết phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu của cơ quan chức năng”.
Chủ động các tình huống
Vận tải hành khách liên tỉnh đang trong giai đoạn thí điểm nên tần suất hoạt động được thực hiện theo quy định tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong vòng 7 ngày theo lưu lượng đã được sở GTVT 2 đầu công bố. Hiện, Bình Định đang có các tuyến xe khách liên tỉnh từ Bình Định đi TP Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa và Quảng Ngãi.
Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, để đảm bảo an toàn phòng dịch trong tình hình mới, Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn đã chủ động bố trí lối xe vào/ra bến, các vị trí cho xe đậu đỗ đảm bảo phòng, chống dịch cũng như chủ động các phương án khi chưa xảy ra dịch và khi có dịch. “Chúng tôi bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí thuận tiện, điểm khai báo y tế; lắp vách ngăn trong suốt tại các bộ phận có tiếp xúc với nhiều người; bố trí lối đi riêng và phòng cách ly y tế tạm thời để chủ động khi có tình huống phát sinh”, ông Nhân cho biết.
Trong khi đó, ông Mai Văn Thắng, Trưởng ga Diêu Trì, cho biết: “Từ ngày 13.10, bắt đầu đã có chuyến tàu SE8 khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội và tàu SE5 đi theo chiều ngược lại. Đến ngày 15.10, sẽ có thêm 2 chuyến tàu SE6 và SE7. Ngoài các thủ tục theo quy định của Bộ GTVT, hành khách vào ga Diêu Trì phải kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết phòng, chống dịch tại ga”. Bên cạnh đó, sau khi các hành khách xuống ga Diêu Trì, tổ công tác của TTYT huyện Tuy Phước sẽ triển khai ngay các công việc phòng, chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Kiều, thành viên tổ công tác, cho biết: “Trước khi tàu đến, chúng tôi khử khuẩn khu vực lối đi và điểm tập trung hành khách. Từng người một khi xuống tàu sẽ được đo thân nhiệt, khử khuẩn và khai báo y tế. Riêng tờ khai y tế, chúng tôi sẽ nhập lên cơ sở dữ liệu để gửi cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và TTYT các địa phương để giám sát, thực hiện cách ly theo quy định”.
KIỀU ANH - HỒNG PHÚC