“Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021”: Lại diễn những trò lố!
Tính từ khi thành lập (1997) đến nay, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” đã “vinh danh” để trao thưởng bằng tiền và hiện vật cho hơn 50 đối tượng chống đối trong nước và 5 tổ chức “đình đám”.
Cứ vào dịp cuối năm, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” - một tổ chức thuộc “liên minh phản động lưu vong” có trụ sở tại California, Mỹ lại diễn trò đề cử và trao “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam”. Năm nay, từ tháng 7, tổ chức này đã phát tán “Thông báo” kêu gọi đề cử ứng viên cho “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021” và dự kiến công bố “giải thưởng” vào giữa tháng 11. Đây là hoạt động nhằm cổ súy, hậu thuẫn cho các đối tượng chống đối trong nước, nhất là số đối tượng đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam. Kể từ năm 1997 đến nay, hơn 50 cá nhân và 5 tổ chức đã được “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” “vinh danh”.
Không chỉ dừng lại ở việc trao “giải thưởng nhân quyền”, mục đích lớn hơn mà tổ chức này hướng tới là dựng lên một bức tranh nhân quyền “méo mó” ở Việt Nam, tạo cớ để các thế lực bên ngoài chống phá, can thiệp. Người đứng đầu tổ chức này từng công khai mong muốn “tương lai tốt nhất của đất nước” là dựng lại một chế độ đã không còn tồn tại ở Việt Nam từ nhiều năm qua.
“Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” do ai dựng lên?
Tháng 11.1997, một nhóm người Việt trên đất Mỹ do Nguyễn Thanh Trang, Lê Minh Nguyên, Ngô Văn Hiếu, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lâm Thu Vân, Nguyễn Thị Hồng Liên, Nguyễn Quốc Khải, Đoàn Việt Trung … cầm đầu, đã tổ chức “hội nghị quốc tế” tại thành phố Santa Ana, thuộc quận Cam (Orange County) bang California, Mỹ công bố thành lập “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (MLNQVN). Để lừa bịp dư luận, số đối tượng cầm đầu đề ra mục tiêu của MLNQVN là nhằm “gia tăng có hiệu quả các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”. Sau khi ra đời, MLNQVN tìm mọi cách để phô trương, đánh bóng tên tuổi, móc nối với một số tổ chức phi chính phủ đã có “thâm niên” chống phá Nhà nước Việt Nam như: tổ chức “Ân xá quốc tế” (Amnesty International - AI), tổ chức “Nhà báo không biên giới” (Reporters Sans Frontieres - RSF), “Ủy ban bảo vệ ký giả” (Committee to Protect Journalists - CPJ)…
Trong nhiều năm qua, những kẻ cầm đầu cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” chuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền dưới các chiêu trò như trao “giải thưởng nhân quyền” hay công bố “báo cáo nhân quyền” hằng năm để xuyên tạc thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam; đồng thời bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, tuyên truyền chống phá đất nước.
Núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tổ chức này đã đạo diễn không ít hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, như: Lập website, mạng xã hội để tuyên truyền thông tin chống phá Việt Nam; tích cực vận động sự bảo trợ của một số nghị sĩ Mỹ thiếu thiện chí với Việt Nam; gửi “thư ngỏ” cho một số quan chức nước ngoài nhằm kêu gọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; núp dưới danh nghĩa đấu tranh cho cái gọi là “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân chính trị” hoặc “tù nhân lương tâm” để ủng hộ, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối trong nước vi phạm pháp luật.
Những tổ chức, cá nhân nào được trao “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam”?
Năm 2020, MLNQVN trao “giải thưởng” cho 2 cá nhân là Nguyễn Năng Tĩnh và Nguyễn Văn Hóa cùng một tổ chức là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”. Cả 2 cá nhân và 1 tổ chức này đều là thành viên cứng hoặc gắn bó chặt chẽ với Việt Tân – một tổ chức được cơ quan chức năng Việt Nam liệt vào danh sách “khủng bố” và đều bị bắt, xử lý.
Bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh bị xử phạt 11 năm tù giam. Ảnh: CAND.
Tháng 4.2020, Nguyễn Năng Tĩnh đã bị TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm, tuyên y án 11 năm tù giam do đã phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, các tài liệu, chứng cứ do các cơ quan chức năng điều tra, thu thập một lần nữa đã chứng minh bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh thông qua mạng xã hội facebook cá nhân đã viết nhiều bài có nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử…. Nguyễn Năng Tĩnh được Việt Tân kết nạp thành viên thay thế vị trí Lê Đình Lượng bị bắt trước đó.
Tương tự, Nguyễn Văn Hóa bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 7 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” vào tháng 11.2017, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú 3 năm kể từ sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Hóa đã nhận tội, thành khẩn khai báo về việc lập tài khoản cá nhân trên facebook để kết bạn, trao đổi thông tin với một số đối tượng xấu; đồng thời chia sẻ, phát tán bài viết, video, hình ảnh có nội dung tiêu cực, kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển và lũ lụt trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình..., Nguyễn Văn Hóa đã trực tiếp bố trí, dàn xếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn và đăng tải lên mạng xã hội để kích động người dân tụ tập biểu tình, chống đối chính quyền. Nguyễn Văn Hóa chính là “cộng tác viên ăn lương tháng” của Đài Châu Á tự do (RFA), cộng tác viết bài cho nhiều trang tin của Việt Tân. Gần đây, Hóa quay lại phản cung, diễn trò “nạn nhân”, “bị ép cung” nên dù bị bắt vài năm rồi vẫn được Việt Tân “ân thưởng” động viên tiếp tục “chiến đấu trong tù”!
Còn về cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, đây là tổ chức bất hợp pháp do Phạm Chí Dũng tự xưng là người đứng đầu. Phạm Chí Dũng đã bị Cơ quan An ninh điều tra công an TPHCM khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định Phạm Chí Dũng là đối tượng cầm đầu, cùng đồng phạm có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm, tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Ngay từ khi chuẩn bị cho sự ra đời của nhóm này, Việt Tân đã tổ chức cho bầu đoàn sang Mỹ để vận động “tự do báo chí”, Phạm Chí Dũng bị chặn xuất cảnh. Một số khác đi trót lọt, được Việt Tân cùng RFA huấn luyện và cấp trang thiết bị để về nước cho ra đời tổ chức này.
Tính từ khi thành lập (1997) đến nay, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” đã “vinh danh” để trao thưởng bằng tiền và hiện vật cho hơn 50 đối tượng chống đối trong nước và 5 tổ chức “đình đám” là Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận của Khối 8406, Dòng Chúa cứu thế, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Anh em dân chủ và Hội Nhà báo độc lập. Những cá nhân nhận giải thưởng đều là những “thủ lĩnh”, “cốt cán”, “ngọn cờ” của cái gọi là “phong trào dân chủ Việt Nam” qua mỗi năm, mỗi thời kỳ ….
Cách thức chọn lựa, vinh danh cho giải thưởng của MLNQVN được sử dụng như “động lực” thúc đẩy những kẻ phản động trong nước điên cuồng, bất chấp pháp luật để hoạt động chống phá. Vừa nhận được tiền tài trợ dồi dào từ nhiều nguồn, vừa được truyền thông nước ngoài tung hô và chắc chắn nhận được vô số giải thưởng nhân quyền kiểu này thỏa mãn ảo tưởng trở thành “thủ lĩnh”, “ngọn cờ” lực lượng đối lập Việt Nam trong tương lai khi có thời cơ “thay đời đổi vận”.
Bảo vệ “nhân quyền” cho Việt Nam hay âm mưu phục hồi chế độ VNCH?
Ngày 20.6.2021, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” công bố cái gọi là “báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021” với mục đích "báo động về tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam hiện nay”.
Xuyên suốt báo cáo này là quy kết chính quyền Việt Nam “độc đảng”, vi phạm nhân quyền; tìm cách gán ghép các hành vi phạm tội, mọi hiện tượng tiêu cực, mọi rủi ro xảy ra trong xã hội đều là “cố ý” của chế độ chính trị hiện nay, là sự vi phạm nhân quyền của Nhà nước… Những khuyến nghị, giải pháp báo cáo này đưa ra đều là đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi Đảng từ bỏ quyền lãnh đạo, đòi đa đảng, đòi phải chấp nhận sự can thiệp, giám sát nhân quyền và tình hình chính trị-xã hội trong nước từ các nước phương Tây và tổ chức quốc tế, đòi tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do tôn giáo theo kiểu áp đặt giá trị của phương Tây vào Việt Nam. Họ nhìn nhận mọi thứ gắn với Đảng, Nhà nước và chế độ hiện nay đều là “phản dân chủ”, mọi tiến bộ đều không đáng được ghi nhận. Họ đặt quyền lợi của nhóm người phản động đội lốt “đấu tranh dân chủ” lên trên lợi ích của đất nước.
Tính chất của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã thể hiện ngay trong chính người lãnh đạo. Bà Nguyễn Tâm An- người được coi là “Tổng thư ký” của tổ chức này tuyên bố “tương lai tốt nhất” của đất nước là dựng lại một chế độ đã không còn tồn tại cách đây 48 năm (VNCH), đưa những kẻ ở hải ngoại lên làm lãnh đạo.
Điểm lại những “thành tích” nêu trên, đủ thấy “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” “danh giá” thế nào! Và dù cá nhân hay tổ chức nào được "trao thưởng" năm nay thì chắc chắn sẽ là không nằm ngoài những kẻ mà Việt Tân cần cổ súy và làm truyền thông có lợi cho họ mà thôi.
Theo Thanh Liêm (VOV.VN)