Ngày về, người hóa tàn tro
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, đã có 56 người dân trong tỉnh không may qua đời, để lại đau thương, mất mát cho mỗi gia đình, cũng là nỗi đau chung của toàn xã hội. chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội đã và đang làm mọi cách để hỗ trợ gia đình những người xấu số.
Người đi im lặng, người đưa ngậm ngùi
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Bộ đội luôn là những người kiên cường, rắn rỏi. Nhưng trong hành trình vượt hơn nghìn cây số đưa tro cốt đồng bào về với gia đình đang ngày đêm mong ngóng, họ cũng không thể cầm lòng, bùi ngùi cho số phận những người con xa xứ.
Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận các phần tro cốt người dân không may qua đời vì dịch Covid-19 từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để chuyển về cho thân nhân người mất. Ảnh: H.P
Thượng tá Huỳnh Thanh Hải - Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Quân khu 5), Tổ trưởng trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh tiếp nhận các phần tro cốt, chia sẻ rằng: “Đây là một chuyến đi trong hoàn cảnh không ai mong muốn. Người đi im lặng, người đưa ngậm ngùi... Nghĩa tử là nghĩa tận, chúng tôi xem hành trình này là nghĩa vụ thiêng liêng mà người lính làm cho người dân của mình, cố gắng đưa đồng bào trở về nhà an toàn, nhanh chóng nhất có thể”.
Trên hành trình từ TP Hồ Chí Minh về TP Đà Nẵng, Tổ công tác của Quân khu 5 đi qua địa phận tỉnh nào sẽ bàn giao các phần tro cốt của người dân ở địa phương đó. Tại Bình Định, Tổ công tác của Bộ CHQS tỉnh và Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cùng tiếp nhận tại TX An Nhơn. Trên mỗi hộp chứa tro cốt là thông tin người mất để các đơn vị tiếp nhận trao về đúng cho thân nhân. Từng hộp tro cốt đồng bào được cán bộ Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận để trong hộp carton tươm tất, gọn gàng và đưa lên xe với sự tỉ mẩn, cẩn trọng, tôn nghiêm.
Trên đường di chuyển về nhà thân nhân, qua các đoạn đường không bằng phẳng, xe chạy chậm nhất có thể để các hộp tro cốt không bị dằn xóc. Thiếu tá Phạm Thanh Tấn, Trưởng Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh), bùi ngùi nói rằng: “Tự nhiên thấy hộp tro cốt đồng bào mình mà tôi xót xa. Ngày về chỉ là hũ tro cốt lạnh ngắt đi kèm với đó là nỗi đau day dứt của người thân khi không có mặt bên cạnh lúc cận kề cái chết, dù đó là việc bất khả kháng”.
Trong vòng tay người thân
Được thông báo trước, các gia đình đều chuẩn bị bàn thờ vong để đón tro cốt người thân. Cố nén đau buồn, ông Nguyễn Văn Lộc (58 tuổi, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) cầm sẵn trên tay cây nhang, tấm ảnh thờ hiếm hoi của người con trai Nguyễn Văn D. (38 tuổi) đứng chờ trước cổng nhà. Còn nỗi đau nào hơn, ông Lộc ôm ngực khóc khi nhận hũ tro cốt của con từ quân đội để lo hậu sự.
“Buồn lắm, thật sự lúc này tôi không biết phải nói gì cả. Nó mất khi còn trẻ quá, bỏ lại 2 đứa con thơ. Cảm ơn các ngành chức năng đã hỗ trợ đưa con tôi về!”, ông Lộc nghẹn ngào.
Ở cùng phòng với người cháu ruột tại TP Hồ Chí Minh, cuối tháng 8, bà Trịnh Thị T. (59 tuổi, quê xã Cát Minh, huyện Phù Cát) không may dương tính và phải đi cách ly tập trung. Gần một tháng kiên cường chống chọi với bệnh, bà mất vì thể trạng có bệnh nền.
Kể về người chị gái xấu số của mình, bà Trịnh Thị Băng (57 tuổi), xúc động vừa khóc vừa nói: “Vì gia đình, chị làm lụng cật lực, vất vả đến hạnh phúc cho bản thân mình cũng không lo nghĩ. Mới đây, chị còn gọi về nói sẽ cố gắng làm việc, dành dụm ít tiền để về quê ở dưỡng già cùng anh em cho vui. Ai ngờ, đó là lần cuối. Lúc chị đi thì người bằng xương, thịt, ngày về lại hóa tàn tro”.
Lặng lẽ, đại tá Nguyễn Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cùng đại diện chính quyền địa phương và các gia đình ký vào biên bản giao nhận. Người trao và người nhận đều đau xót vì mất mát quá lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Không phải mất một hành trình dài để về với quê hương và gia đình như những nạn nhân của đại dịch Covid-19 tử vong tại TP Hồ Chí Minh, song 17 trường hợp tử vong do Covid-19 ngay tại Bình Định cũng để lại nỗi mất mát khôn nguôi với người còn sống. Tròn hai tháng kể từ ngày bà Huỳnh Thị H. (54 tuổi, ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) mất, những người thân đã sắp xếp lại cuộc sống, quay về với hoạt động thường nhật. Đôi lúc, có người thăm hỏi, cả gia đình lại xót xa, bịn rịn bởi thương cái giây phút người vợ, người mẹ qua đời với tận cùng cô đơn.
Chồng bà H. - ông Nguyễn Văn Điệp (65 tuổi) kể: “Tôi và con gái may mắn vượt qua dịch bệnh, điều trị và nay đã khỏe lại. Riêng vợ tôi thì không qua nổi. Bà ấy vốn bị cao huyết áp nhiều năm. Nguôi ngoai phần nào nỗi đau, gia đình tôi cũng bắt đầu lại những việc còn dở dang mà bà nhà để lại. Việc buôn bán của vợ tôi tại chợ Gò Bồi từ nay sẽ giao cho con gái”.
***
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, cuộc sống sẽ trở lại trạng thái bình thường mới. Nhưng những di chứng từ đại dịch này sẽ còn ám ảnh, còn hằn sâu trong tim của nhiều người, nhất là với những ai có thân nhân đã hóa thành tro cốt.
Ðể chia sẻ với các gia đình có thân nhân mất do đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng. Trên cơ sở danh sách người tử vong vì dịch Covid-19 do quân đội và ngành Y tế cung cấp (gồm 17 người tử vong do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; 39 người Bình Ðịnh tử vong tại TP Hồ Chí Minh), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai rà soát, xác minh, nắm chắc hoàn cảnh của các gia đình. Nếu quá khó khăn thì phải huy động thêm các nguồn lực khác để hỗ trợ cho người dân.
Ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cũng cho biết: Dự kiến trong tuần này, hoạt động hỗ trợ cho gia đình có người tử vong do dịch Covid-19 sẽ triển khai. Lãnh đạo tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ thăm các gia đình, thắp nén nhang cho người đã khuất và trao tiền hỗ trợ, động viên các gia đình vượt qua nỗi đau, hướng về phía trước.
HỒNG PHÚC - NGUYỄN MUỘI