Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau
Ðây là quyết tâm của chính quyền, nhân dân Bình Ðịnh và nhiều DN viễn thông đồng hành trong thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu giúp các học sinh nghèo thích ứng với việc học tập trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Theo số liệu thống kê của Sở TT&TT và Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có hơn 277 nghìn học sinh từ cấp bậc tiểu học đến THCS, THPT và giáo dục thường xuyên nhưng có tới 135 nghìn (48%) em chưa có thiết bị học trực tuyến và cần được hỗ trợ. Cùng với đó, có 8 thôn, làng chưa có sóng di động băng rộng và đường truyền internet; các địa phương này chủ yếu thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thuộc các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hướng tới 100% trường học, giáo viên, học sinh được trang bị nền tảng, máy tính. Ảnh: HỒNG HÀ
Hưởng ứng cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em”, UBND tỉnh đã lên kế hoạch thực hiện, trong đó huy động sự hỗ trợ từ mọi nguồn lực xã hội. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Kế hoạch hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh trong tỉnh được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số của tỉnh”.
8 thôn, làng chưa có sóng di động băng rộng và đường truyền internet tại tỉnh Bình Ðịnh, tính đến giữa tháng 10.2021 gồm: Thôn 7 (xã An Vinh, huyện An Lão); làng Kong Trú và làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh); làng Canh Tiến, Hà Giao, Kà Bưng, Kà Nâu (xã Canh Liên) và thôn Canh Giao (xã Canh Hiệp) thuộc huyện Vân Canh.
Từ sự vận động của Sở TT&TT, các DN viễn thông đã bắt tay vào việc phủ sóng băng rộng di động và đường truyền internet cho 8 thôn, làng chưa có sóng di động băng rộng và đường truyền internet. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc MobiFone Bình Định cho biết: Chúng tôi đã thống nhất chia mỗi đơn vị triển khai tại một số địa bàn. Công việc bắt đầu ngay trong quý IV/2021 và dự kiến hoàn thành sau quý I/2022. Riêng đối với những thôn, làng chưa có điện lưới, dự kiến có thể phải tới quý II/2022 mới xong. Dù vậy mục tiêu chúng tôi cam kết là đảm bảo 100% 8 thôn, làng này đều được phủ sóng để đồng bào được hưởng lợi.
Không chỉ có vậy, các DN viễn thông còn tham gia hỗ trợ sử dụng miễn phí các nền tảng dạy - học trực tuyến; cước internet di động và các gói cước internet, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Nguyễn Đình Lợi, Giám đốc Viettel Bình Định cho biết: Viettel sẽ giảm 50% phí dữ liệu 4GB/ngày trong 3 tháng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời miễn 100% phí truy cập và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến Viettel Study. Ngoài ra, Viettel còn hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin, tài trợ 100% phí đường truyền internet cho Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các trường, tặng 50% lưu lượng data tất cả các gói cước để học sinh, sinh viên duy trì việc học trực tuyến.
Trong khi đó, giáo viên, phụ huynh, học sinh hộ nghèo, cận nghèo sẽ được VNPT miễn phí dữ liệu di động 4GB/ngày và áp dụng các gói cước ưu đãi như: HomeTV1-Edu, HomeTV1. Còn MobiFone sẽ tặng học sinh, sinh viên nghèo đang sử dụng sim MobiFone gói cước EDU kèm ưu đãi dữ liệu 4GB/ngày trong 3 chu kì (hơn 90 ngày); đồng thời, miễn phí sử dụng nền tảng MobiEdu giảng dạy và học trực tuyến.
Với sự vào cuộc của các nhà mạng, dự kiến đến năm 2022, toàn tỉnh sẽ không còn điểm lõm sóng.
- Trong ảnh: Các nhân viên kỹ thuật VNPT kiểm tra chất lượng đường truyền internet. Ảnh: HỒNG HÀ
Theo Kế hoạch tỉnh còn vận động các tổ chức, DN hỗ trợ 5.000 máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị liên quan giúp học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo có thể học trực tuyến ngay trong năm 2021. Kêu gọi 6.000 thiết bị trong năm 2022; 6.000 thiết bị trong năm 2023. Mục tiêu của tỉnh là 100% học sinh trên toàn tỉnh được trang bị đủ phương tiện để có thể học trực tuyến.
Tuy nhiên, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, ngoài sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng, ngành giáo dục và thông tin truyền thông cần xây dựng phương án đào tạo trực tuyến thống nhất với các nền tảng trực tuyến đã được các nhà mạng công bố. Cụ thể, sử dụng một nền tảng đào tạo trực tuyến thống nhất để tiện theo dõi quá trình học tập của học sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh và cải tiến chất lượng giáo dục.
Các địa phương cũng chủ động xây dựng kịch bản và bảo đảm đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến. Về phần các nhà mạng cũng cần nâng cao chất lượng đường truyền, chất lượng dịch vụ viễn thông nhằm đảm bảo điều kiện cho việc học trực tuyến có chất lượng, hiệu quả, đảm bảo không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
HỒNG HÀ