Phụ huynh đau đầu vì học trực tuyến quá lâu, con nghiện game, thay tính đổi nết
Nhiều phụ huynh đau đầu vì con học trực tuyến không hiệu quả, thậm chí lâu ngày còn nghiện game, ảnh hưởng mắt, sức khỏe tâm thần.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh TPHCM phải học trực tuyến hết học kỳ 1. Việc tiếp cận với máy tính, thiết bị điện tử thời gian dài khiến không ít học sinh tìm đến game online, thậm chí giảm thị lực, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Học sinh nghiện game, thay tính đổi nết
Mệt mỏi, bỏ bê, hay buồn ngủ hoặc học không tập trung là dấu hiệu bất thường thời gian gần đây của cậu con trai học lớp 5 của chị Nguyễn Thu Phượng (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM). Điều này khiến chị Phượng lo lắng vô cùng.
Chị kể, những ngày đầu, thấy con chăm chú vào iPad học trực tuyến làm phụ huynh yên tâm và mừng vì con tự lập, tự học. Nhưng gần đây, chị bắt đầu phát hiện con có những biểu hiện trên và ngày càng tăng. Chị theo dõi thì mới “tá hỏa” con chơi games trong giờ học rất nhiều lần.
“Học không tập trung, dù có nhắc nhở thường xuyên nhưng không phải lúc nào vợ chồng tôi cũng kè kè bên con được. Thằng nhóc lén tải rất nhiều game chơi trong lúc học, chơi riết mà người khác la hay đứng bên cũng không hay biết, có khi không cần ăn luôn. Tôi rầu hết sức nhưng phải để máy cho con học đâu có cấm con xài iPad được”, chị Phượng chia sẻ.
Hay như trường hợp của anh Trí Thức (ngụ quận 4, TPHCM), có cậu con trai học lớp 9. Suốt thời gian này, ngày nào con cũng cắm mặt vào máy tính từ 7 giờ 45 phút sáng, trưa chỉ thấy ngủ một chút rồi chiều lại ôm máy tính tới tối.
"Khi tôi nói nghỉ thì con nói còn học, thức tới khuya tôi tưởng học mà thực ra chơi game. Không giám la nhiều sợ cái tuổi nó ương bướng, rất lo cứ kéo dài hoài chắc tụi nhỏ thành game thủ hết, không chịu nổi ”, anh Trí Thức (ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ sự bất lực khi con học online.
Anh Nguyễn Xuân Thu (lao động tự do tại huyện Nhà Bè) cho biết, con trai anh đang học lớp 8, trước đó không bị cận, sau thời gian dài học trực tuyến, con thường hay mỏi và nhức mắt, đi khám bác sĩ kết luận con bị cận thị do nhìn màn hình máy tính quá gần trong thời gian dài.
“Con học suốt từ sáng, trưa nghỉ ăn, chiều lại học, lúc nào cũng dán mắt vào màn hình, hết máy tính lại kè kè cái điện thoại không cận mới là lạ.Thiệt không biết làm sao mà không học thì không được”, anh Thu nói.
Chị Xuân Thiên (ngụ quận 7, TPHCM) cũng đau đầu không kém khi con học online. “Con tôi học lớp 9 học online cả ngày lẫn đêm, học chính, học thêm, rồi thêm cái đà được ngồi máy chát với bạn bè. Cả tháng không ra khỏi nhà vì học online rồi nên dạo này con trở lên cáu bẳn, cục tính, tôi thấy học online không hiệu quả mà tính tụi nó cũng thay đổi, mà dịch không biết sao”.
Học sao cho hiệu quả?
PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, theo một số nghiên cứu, học trực tuyến kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất (thị lực giảm, giảm vận động dẫn đến nguy cơ béo phì) và sức khỏe tinh thần của học sinh (tăng sự bực bội, cáu gắt, lo lắng, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ kiến thức) cũng như các kỹ năng xã hội (do đói tương tác người thực) hơn so với học trực tiếp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần do dịch bệnh tăng lên gấp 5-7 lần so với bình thường và bộ phận lớn trong đó là trẻ em.
“Phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của tổn thương tâm lý và tinh thần khi học trực tuyến như lo lắng phần lớn thời gian trong ngày, cảm thấy không ai hiểu mình, không thể tập trung, cáu gắt, bực bội, mệt mỏi, chơi game,... ngăn chặn, tránh hệ lụy về sau", ông Nam nói.
PGS.TS Trần Thành Nam.
Theo PGS Nam, để bảo vệ sức khỏe của học sinh, cần có những nghiên cứu để quyết định thời gian tối đa ngồi trước màn hình đối với từng cấp học. Cần vận dụng triệt để “lớp học đảo ngược” để hạn chế các hoạt động tiếp cận trực tiếp với màn hình.
“Ví dụ các mục tiêu liên quan đến nhớ, hiểu thì giáo viên gửi trước tài liệu, video minh họa để học sinh tự đọc trước, giờ học tương tác trên màn hình chủ yếu là đặt câu hỏi và thảo luận; các bài tập, dự án được giao để học sinh tự chủ làm sau giờ học và trao đổi với giáo viên trong những giờ hỗ trợ để hoàn thành nhiệm vụ”, PGS Nam gợi ý.
So với học trực tiếp, học trực tuyến không thỏa mãn và không tạo hứng thú với 74% học sinh, vì thiếu vận động, thiếu tương tác và phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình.
Do đó, để học trực tuyến đạt hiệu quả, lớp học nên bắt đầu bằng những hoạt động khởi động tạo không khí vui nhộn, hòa nhập cùng bạn học và thầy cô, tạo cơ hội trò chuyện hỏi han nhau để triển khai các kỹ năng mềm và tạo hứng thú bắt đầu bài học.
Các bài dạy kiến thức mới nên thiết kế ngắn gọn, tối đa hóa dưới dạng trò chơi, đặt các câu hỏi tạo sự quan tâm và tranh luận của học trò, sử dụng ứng dụng đơn giản để tăng tương tác
“Thiết kế hoạt động thực hành cần dựa trên các trò chơi, dự án, nhóm thảo luận, các phiếu bài tập trên google form, microsoft form. Giáo viên nên sử dụng công cụ hẹn giờ để giúp học sinh nắm được lịch trình, công cụ quản lý lớp học trực tuyến để quản lý sự tập trung và tạo tính kỷ luật hơn cho học sinh trong lớp. Thái độ của giáo viên tương tác với học sinh, tạo cơ hội cho mọi học sinh đều được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt giữa các em là "gia vị" rất quan trọng trong dạy học trực tuyến", PGS Nam nói.
Theo MAI CÁT (VTC News)