Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022) hiệu quả, kịp thời và đồng bộ, Sở TN&MT đã rà soát, tổng hợp, giới thiệu một số nội dung cơ bản, một số điểm mới để có thể đưa luật mau chóng đi vào đời sống.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về BVMT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững. Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 22.6.2021 về việc triển khai thi hành Luật BVMT, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Luật BVMT năm 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích rác thải. - Trong ảnh: Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn). Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Sở TN&MT đã cập nhật các điểm mới cơ bản của Luật BVMT năm 2020, như: Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC). Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải…
Thời gian qua, việc thực hiện song song thủ tục cấp giấy phép, giấy xác nhận về môi trường (cơ quan quản lý nhà nước về BVMT thực hiện) với cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi thực hiện) đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; cùng một đối tượng là nước thải của DN xả thải vào công trình thủy lợi tiếp tục phải thực hiện 2 TTHC có nhiều nội dung tương đồng; không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước; phân tán chức năng quản lý nhà nước. Để khắc phục, Luật BVMT năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này. Với mô hình tăng trưởng trước đây, mới chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính và con người mà thiếu sự quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên (tài nguyên đất, nước, rừng, thủy sản, khoáng sản…) do quá trình sản xuất và tiêu dùng. Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT. Trong đó, đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên.
Hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải ở nước ta nói chung và ở tỉnh ta nói riêng còn cao, một trong các nguyên nhân chính là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí mới sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Còn nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
ĐÌNH PHƯƠNG