Thêm hy vọng cho bệnh nhân tim
Được triển khai từ năm 2011, hoạt động chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) cho BVĐK tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ cứu sống nhiều bệnh nhân, việc làm chủ kỹ thuật cao cấp này còn chứng tỏ bước tiến đáng kể của ngành y tỉnh nhà.
Đến nay, đã có 55 bệnh nhân được mổ tim tại BVĐK tỉnh, trong đó có 53 người được mổ tim hở. Bệnh phổ biến nhất là hẹp, hở van tim, với 39 bệnh nhân đã được phẫu thuật thay, sửa van tim. Ngoài ra, còn có trên 10 bệnh nhân bị tim bẩm sinh được chữa trị, với các chứng thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, Fallot...
Mổ tim thành thường quy
Trong 2 ngày 12 và 13.4, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã thực hiện phẫu thuật cho 4 bệnh nhân tim, với các kỹ thuật chủ yếu là thay và sửa van động mạch chủ, van 2 lá, 3 lá. Đợt mổ tim đầu tiên vào tháng 1.2011, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cử một ê kíp 10 người vào Bình Định để thực hiện. Đến đợt này, chỉ còn 2 người vào hỗ trợ, chủ yếu “đứng ngoài” để tư vấn cho các bác sĩ của BVĐK tỉnh trong quá trình phẫu thuật. Đó là bước tiến đáng kể của hoạt động chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở.
“Mổ tim hở đã chính thức là kỹ thuật thường quy tại BVĐK tỉnh. Thời gian tới, sau khi khám sàng lọc, chỉ những trường hợp quá phức tạp, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức mới trực tiếp vào hỗ trợ”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ khẳng định.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, BVĐK tỉnh đã rất quan tâm đến phẫu thuật tim mạch, một kỹ thuật đòi hỏi chi phí lớn, trong khi khoản “thu lại” hầu như không có. Tuy nhiên, một khi kỹ thuật mổ tim hở được triển khai thành công, trình độ của đội ngũ y bác sĩ được nâng lên đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực gây mê hồi sức. Và hơn hết, nó đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân tim trong tỉnh và cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Cả nước hiện có trên 20 trung tâm mổ tim hở, phần lớn nằm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Hiện nay, chỉ có 6 bệnh viện tuyến tỉnh triển khai mổ tim hở, trong đó Bình Định là đơn vị phát triển mạnh mẽ, vững chắc với khả năng phẫu thuật độc lập cao. Hiện, vẫn có bệnh viện đạt số lượng ca mổ xấp xỉ BVĐK tỉnh Bình Định, nhưng hoạt động tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao chưa tốt; trong khi có đơn vị mổ được vài chục ca hầu hết do phía trung ương thực hiện, hoặc phát triển được kỹ thuật, nhưng cả năm chưa có đến chục ca”, bác sĩ Ước cho hay.
Sống thêm lần nữa
Trong buổi giao lưu giữa PGS-TS Nguyễn Hữu Ước và bệnh nhân được mổ tim tại BVĐK tỉnh vừa được tổ chức, rất nhiều bệnh nhân và người nhà có dịp bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với các thầy thuốc đã thực hiện cuộc “tái sinh” kỳ diệu.
Lần đầu tận mắt nhìn thấy “thầy” Ước, chị Võ Thị Tình, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, không khỏi xúc động. Cầm micro, chị muốn nói thật nhiều, nhưng rốt cục chỉ thốt lên được một câu: “Cầu chúc thầy sống thọ, sống lâu để cứu được nhiều người bệnh tim như cháu nhà tôi”. Phạm Thị Mỹ Hạnh, con gái của chị Tình, được mổ tim từ tháng 4.2011. Sau 2 năm gián đoạn vì bệnh tật, năm nay, em đã vào học lớp 10.
“Phẫu thuật tim là kỹ thuật y học phức tạp, đòi hỏi chi phí cao, trong khi phần lớn bệnh nhân tim có hoàn cảnh khó khăn. Để ngày càng có nhiều người bệnh tim được cứu chữa, ngoài nỗ lực của ngành y, rất cần các nhà hảo tâm hỗ trợ về kinh phí”
Bác sĩ HỒ VIỆT MỸ, Giám đốc BVĐK tỉnh
Cũng bị bệnh tim bẩm sinh như Mỹ Hạnh, nhưng anh Lê Hồng Trí (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) có sức khỏe khá tốt nên cứ thế lướt qua. Đến năm 2007, khi đã 25 tuổi, không chịu nổi những cơn mệt mỗi lần ra đồng, anh mới bắt đầu điều trị. Năm 2011, anh được phẫu thuật thay van 2 lá. Trước mổ, anh chỉ còn 54kg, giờ anh đã 72kg, trở thành lao động chính trong gia đình.
Có rất nhiều bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim miễn phí. Tháng 3.2011, bé Trần Thúy Hoa (7 tuổi, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) được phẫu thuật cắt bỏ ống động mạch. “Nhà nghèo, con mắc bệnh nan y, nên chẳng biết xoay sở thế nào. Vậy mà, cháu được chữa hết bệnh, chúng tôi chỉ tốn tiền xe ra vào thôi”, chị Thắm, mẹ của bé Hoa, xúc động kể.
Trước khi mổ, Nguyễn Văn Cang, ở xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, cũng rất yếu. Chàng trai này bị thông liên thất, tăng áp động mạch phổi, suy tim độ 3. Hoàn cảnh khó khăn, vừa học, Cang vừa làm đủ việc, từ phát tờ rơi, làm bảo vệ, phục vụ nhà hàng… Sau ca mổ tim miễn phí, sức khỏe của anh đã hồi phục rất tốt, có thể chơi cả bóng đá. Gặp Cang, bác sĩ Ước nhớ lại ca mổ tim đầu tiên được thực hiện tại BVĐK tỉnh: “Lần ấy, khi thấy quả tim đập trở lại sau thời gian “ngưng nghỉ”, nhiều người trong ê kíp đã cùng hò reo vui sướng”.
NGUYỄN VĂN TRANG