BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC:
Hiệu quả từ sự phối hợp đồng bộ
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả. Các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư phát huy tác dụng; đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng thụ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phong phú. Kết quả này có được nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở VH&TT với Ban Dân tộc tỉnh cùng chính quyền các địa phương.
Cú huých mạnh từ sự hỗ trợ của Nhà nước
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung cho hay: Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, Ban đã trao tặng 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng, thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 14 bộ cồng, chiêng cho 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trong tỉnh. Khởi công xây dựng 43 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và 7 công trình phù hợp phong tục tập quán, văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho 150 hộ đồng bào DTTS tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (Vân Canh) và làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh); chuyển giao cho làng Hà Ri 40 khung dệt cải tiến, qua đó từng bước giúp đồng bào tăng năng suất và chất lượng sản phẩm dệt.
Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Bana Kriêm ở K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: T.L
Đi đôi với công tác này, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở VH&TT, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lễ hội, nhằm duy trì, kết nối các giá trị văn hóa của các dân tộc đồng bào thiểu số, như lễ hội mừng cồng chiêng mới; các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS, ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS miền núi tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng chương trình nghệ thuật cho các đoàn văn hóa, văn nghệ của đồng bào DTTS tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Từ đó, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Đơn cử vào giữa tháng 10.2020, từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và vốn hỗ trợ của tỉnh, UBND xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) đã đầu tư, khánh thành và đưa vào sử dụng nhàrông văn hóa làng 4, diện tích gần 210 m2. Đây là nơi để bà con sinh hoạt cộng đồng, góp phần giữ gìn nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của đồng bào Bana ở địa phương.
Khi chính sách đi vào thực tế đời sống
Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), cho biết: Năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh trao tặng 6 bộ cồng chiêng cho 6 thôn của xã. Nhờ đó, bà con ở các thôn duy trì được việc tập luyện, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể này, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần. Riêng ở làng K8 đã có nhà bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bana Kriêm để trưng bày, lưu giữ các đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống (cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn pơ-lơn-khơng, váy áo…), góp phần giữ gìn nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của làng.
Từ khi được cấp 1 bộ cồng chiêng cho đến nay, bà con Bana ở 3 thôn của xã An Toàn (huyện An Lão) có điều kiện duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt CLB cồng chiêng. Trong những dịp sinh hoạt CLB hay hội làng, lễ, Tết, mọi người luôn cảm nhận được không khí nhộn nhịp, vui tươi lan tỏa khắp nơi này.
Ông Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn (huyện An Lão), cho biết thêm: “Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Bana, H’rê, phục dựng một số nghi lễ đặc trưng (lễ cưới Bana, cúng mừng lúa mới) hay truyền dạy các bài chiêng... Những hoạt động, nghi lễ này được coi là sợi dây liên kết cộng đồng người Bana, H’rê tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển”.
Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS, ông Đinh Văn Lung cho hay: Thời gian tới, Ban phối hợp với ngành văn hóa, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Cụ thể, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa; từng bước thực hiện việc tư liệu hóa và số hóa các di sản.
Trên địa bàn tỉnh có 39 DTTS (chủ yếu là dân tộc Bana, Chăm H’roi và H’rê) sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát. Toàn tỉnh có 15 di tích liên quan đến vùng các DTTS đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có hàng trăm hiện vật (vòng đeo tay bằng đồng, tẩu thuốc, gùi, dụng cụ sinh hoạt và đựng thực phẩm, nhạc cụ truyền thống) được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Nghề dệt vải, đan lát truyền thống đã trở lại trong sinh hoạt hằng ngày ở một số hộ gia đình của đồng bào DTTS.
TRỌNG LỢI