Tiếp thu nghiêm túc, giải quyết thấu đáo kiến nghị của cử tri
Trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 20.10), Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri, ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Tiết Hạnh xung quanh quá trình tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri.
● Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức với hình thức linh hoạt. Xin bà thông tin cụ thể về vấn đề này?
- Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri để báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp. Đồng thời, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương. Trong đó tập trung vào các ý kiến về xây dựng các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và những kiến nghị, đề xuất về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay.
Trưởng đoàn ĐBQH Lê Kim Toàn tiếp xúc trực tuyến với cử tri huyện Tuy Phước. Ảnh: N.HÂN
Đây cũng là dịp để các ĐBQH giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo cho cử tri biết về kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đối với một số ý kiến, kiến nghị đã tiếp nhận trước đó.
Để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, các hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Cụ thể, Đoàn đã phối hợp tổ chức 1 cuộc tiếp xúc trực tiếp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh và đại diện các lực lượng đang tham gia tuyến đầu phòng chống dịch; 1 cuộc tiếp xúc chuyên đề với đại diện các hội, hiệp hội, DN và Liên minh HTX trên địa bàn tỉnh; 11 cuộc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại 11 huyện, thị xã, thành phố và kết nối trực tuyến đến 159 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Bằng cách này, đã có trên 1.730 cử tri đến tham dự các buổi tiếp xúc, phản ánh 248 lượt ý kiến, kiến nghị. Trong đó, có 205/248 ý kiến đã được các ĐBQH căn cứ các quy định pháp luật và nội dung trả lời của các cơ quan có thẩm quyền để giải đáp, trao đổi, thông tin đến cử tri. 23 ý kiến còn lại được tiếp thu, tổng hợp gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; 20 ý kiến gửi HĐND, UBND tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
● Bà có thể cho biết những nội dung chủ yếu trong các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV?
- Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH rất trân trọng các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng được cử tri tin tưởng gửi gắm.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc trực tiếp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh và đại diện các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: N.MUỘI
Qua các ý kiến cho thấy, cử tri cảm nhận sâu sắc rằng, trong thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời, đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa có tiền lệ, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt trong ứng phó với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, hạn chế thấp nhất thiệt hại tới sức khỏe và tính mạng của người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.
Cử tri cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Sáng 20.10, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc kỳ họp thứ 2.
Kỳ họp này tiếp tục được tổ chức theo phương thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt. Dự kiến, đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20 - 30.10; đợt 2 họp tập trung từ ngày 8 - 13.11.
Tại kỳ họp này, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật. Thảo luận, quyết định các nội dung về KT-XH, ngân sách Nhà nước, giám sát các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022…
Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị Trung ương tăng cường vắc xin ngừa Covid-19 cho tỉnh; sớm tiếp cận các nguồn vắc xin cho người dưới 18 tuổi; quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở; bổ sung chi phí xét nghiệm, test nhanh SARS-CoV-2 vào danh mục thanh toán BHYT; có chính sách miễn học phí cho tất cả học sinh năm học 2021 - 2022; có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân…
Một số ý kiến đã kiến nghị nhiều lần, nay cử tri tiếp tục nêu như: Xem xét cho cán bộ, công chức, các lực lượng làm nhiệm vụ trên xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) được hưởng chính sách của xã đảo; sớm giải quyết, sắp xếp, bố trí công việc, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng theo Đề án 500 trí thức trẻ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất canh tác giữa người dân các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn (tỉnh Bình Định) với TX An Khê (tỉnh Gia Lai) và giữa huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) với huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên); hỗ trợ kinh phí bồi thường diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá tại thượng lưu, hạ lưu các công trình thoát nước thuộc dự án mở rộng QL 1A trên địa bàn TX Hoài Nhơn...
Đối với 7 dự án luật sửa đổi trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp lần này, cử tri kiến nghị xem xét bổ sung Bản luận tội của viện KSND vào hồ sơ vụ án trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự; đề nghị bổ sung hình thức tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
● Yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri là phải đảm bảo những ý kiến, kiến nghị chính đáng của họ được các ngành, các cấp có thẩm quyền xem xét, trả lời một cách đầy đủ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng...
- Đúng vậy. Để đáp ứng yêu cầu này, tới đây, Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Đoàn sẽ được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Và, cũng sẽ gửi đến các địa phương nơi Đoàn tổ chức tiếp xúc cử tri để biết, theo dõi và giám sát việc giải quyết, thực hiện của các ngành liên quan.
Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền sớm trả lời, giải quyết, thực hiện những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh chủ trì buổi làm việc với Công ty Điện lực Bình Định về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến ngành Điện. Ảnh: N.HÂN
Đối với những ý kiến, kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết, trả lời hoặc trả lời chưa thấu đáo, cử tri kiến nghị nhiều lần, Đoàn sẽ tiếp tục đề nghị trả lời, theo đuổi đến cùng hoặc chuyển thành nội dung chất vấn và truy vấn tại kỳ họp Quốc hội để làm rõ vấn đề mà cử tri quan tâm.
Nguồn: BTV
Đối với những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống KT-XH được cử tri và nhân dân quan tâm gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật, Đoàn sẽ nghiên cứu kiến nghị Quốc hội xem xét, tổ chức giám sát để làm rõ các vướng mắc, kiến nghị các ngành liên quan có biện pháp tháo gỡ, hạn chế ý kiến tồn đọng, kéo dài.
● Xin cảm ơn bà!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)