Hát về Bác và biển đảo quê hương ta
Một không gian âm nhạc rất khác đã được tạo ra chính trên sân khấu phòng trà, nơi được xem là “lãnh địa” của những bản tình ca hay các dòng nhạc tiền chiến, trữ tình. Đó là cảm nhận về hai đêm nhạc chủ đề: Hát về Bác và biển đảo quê hương ta, do Phòng trà ca nhạc Nghệ Sĩ tổ chức vào tối 18 và 19.5
Sân khấu Phòng trà ca nhạc Nghệ sĩ hai đêm 18 và 19.5 thật ấm cúng và đặc biệt. Từ người dẫn chương trình đến nam ca sĩ, nhạc công đều mặc trên người trang phục là chiếc áo của người lính hải quân. Ca sĩ nữ duyên dáng, tha thướt trong bộ áo dài truyền thống. Và khán giả, họ đến đây không phải để nghe những bản tình ca lãng mạn, ngọt ngào, da diết như thường lệ. Họ đến để cùng nghe những ca khúc xúc động về Bác, nhớ đến Bác trong ngày sinh nhật lần thứ 124 của Người và để cùng hát lên, nắm tay nhau, siết chặt tay nhau, hòa vào giai điệu hùng tráng của những bản “nhạc đỏ” - những bài hát có sức mạnh như những lời “hiệu triệu” đối với mỗi người dân Việt Nam yêu nước trong những ngày này.
“Miền Trung nhớ Bác”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Đoàn vệ quốc quân”, “Tiếp bước dưới quân kỳ”, “Người chiến sĩ ấy”, “Nơi đảo xa”…, từng bài hát vang lên, trong tim mỗi người, ngọn lửa đã được thắp lên cùng với tình yêu, nhiệt huyết đối với Tổ quốc như chói sáng hơn. Khán giả thấy thiện cảm, ấm lòng với chỉ đơn giản là động tác giơ tay chào kiểu lính của ca sĩ trẻ Việt Vương trước khi bắt đầu và sau khi thể hiện xong bài hát về biển đảo. Nhiều người đồng cảm với nỗi xúc động của thiếu tá, nghệ sĩ saxophone Hồ Bòng - một người lính và nghệ sĩ khoác áo lính - song anh chưa từng hát “nhạc đỏ” trên sân khấu phòng trà. “Lần đầu biểu diễn” như thế này, anh đã hát liên tiếp 2 bài, hát bằng bầu nhiệt huyết và trái tim người lính.
Bạn trẻ Lê Tố Quỳnh, 27 tuổi, một người dân Quy Nhơn là một trong nhiều khán giả có mặt trong đêm nhạc ngày 18.5. Quỳnh và những người bạn của mình đi ngang Phòng trà và vô tình được biết về “đêm nhạc đặc biệt” nên quyết định ghé vào. Những người trẻ như quên bẵng đi những chiếc điện thoại đa chức năng trên tay mình, họ nghe và xem ca nhạc rất chăm chú dù rằng đó không phải là một đại nhạc hội hoành tráng mà có thể họ đã từng được xem trực tiếp hoặc qua truyền hình. “Khi những bản nhạc tiền chiến, trữ tình được hát lên ở sân khấu phòng trà, bài hát ấy có thể phù hợp với “gu” nghe nhạc hay tâm trạng của người này, không phù hợp với người khác và mỗi người ôm một tâm sự riêng. Còn những gì diễn ra và cảm xúc tạo ra từ đây chân thực và xúc động hơn tôi nghĩ khi chúng tôi quyết định vào đây nghe nhạc. Có lẽ đây không thuần túy là một chương trình biểu diễn ca nhạc hay xem ca nhạc mà là một cách chúng ta nói với nhau về lòng yêu nước trong những ngày “Biển Đông dậy sóng”, Quỳnh nói.
Điều gì khiến những “đêm nhạc đỏ” lại xuất hiện ở phòng trà, không chỉ hai đêm mà sẽ được tổ chức thường xuyên. Ca sĩ Kiều Lệ, chủ Phòng trà ca nhạc Nghệ Sĩ cho biết: “Tôi nghĩ đó là những bài hát, bản nhạc mà người dân Việt Nam ta thường nghe, thường hát nhất trong những ngày này. Bằng lời ca tiếng hát, tôi và ê-kip phòng trà góp phần bé nhỏ của mình, thể hiện lòng yêu nước và mong muốn được chia sẻ, cùng mọi người nhân lên tình yêu đó”
KHẢI THƯ