Kinh tế HTX là nền tảng cho sự liên kết, hợp tác tạo ra sức mạnh đa chiều
(BĐ) - Sáng 19.10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Theo Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thực hiện Nghị quyết số 13 và Luật HTX năm 2012, dự kiến đến hết ngày 31.12.2021, cả nước có khoảng 18.327 HTXNN và 79 liên hiệp HTX; tăng 12.569 HTX so với thời điểm thực hiện Nghị quyết 13 và tăng 7.917 HTX so với thời điểm 31.12.2013 khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực. Các HTXNN hoạt động ngày càng chất lượng và hiệu quả, tỷ lệ các HTX được đánh giá xếp loại khá, tốt tăng từ 10% (năm 2013) lên trên 60% (năm 2020). Hiện cả nước có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất; có 4.339 HTX đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTXNN, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ chiếm từ 5 - 7%.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, nhiều HTXNN của tỉnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN. Trong ảnh: HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn) thu hoạch và sơ chế lúa giống vụ Hè Thu 2021, theo mô hình liên kết với các công ty. Ảnh: PHẠM VĂN TÂN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển HTX còn nhiều khó khăn. Số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh, song số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp; quy mô thành viên và doanh thu HTX còn ít. Nhiều HTX chưa có các dịch vụ sơ chế, chế biến, bản quản nông sản sau thu hoạch; số HTX liên kết với DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Đồng thời, từ chia sẻ các địa phương, các HTX cho thấy quá trình triển khai Nghị quyết 13 còn chậm; đến nay Nghị quyết 13 và Luật HTX năm 2012 có một số nội dung không còn phù hợp với thực tế, cần phải điều chỉnh...
Về phía tỉnh Bình Định, thực hiện Nghị quyết 13 và Luật HTX 2012, đến nay toàn tỉnh có 242 HTX, trong đó có 184 HTXNN, 16 HTX vận tải, 15 HTX tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, 27 quỹ tín dụng nhân dân. Dự kiến đến ngày 31.12.2021, số lượng HTX là 255, tăng 33 HTX so với thời điểm ngày 1.7.2013, trong đó có 53 HTX thành lập mới. Nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho thành viên, tăng lợi nhuận cho HTX. Trên địa bàn tỉnh đã có 57 HTXNN tổ chức sản xuất chuỗi mang tính chất bền vững, chủ yếu là liên kết sản xuất lúa giống; 15 HTX ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là áp dụng trong canh tác, nuôi trồng và bảo quản; 7 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với 12 sản phẩm được công nhận.
Nguồn: BTV
Bộ NN&PTNT xác định kinh tế tập thể, HTX là công cụ quan trọng trong việc tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, tích hợp đa giá trị. Trước xu thế phát triển mới, HTX có cơ hội lẫn thách thức, trong đó then chốt là tiếp cận thị trường trong nước và thế giới; phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Các HTX phải nâng cao năng lực nội sinh của mình để chủ động trong kinh tế thị trường và ứng phó với dịch bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, HTX đóng vai trò nền tảng cho sự liên kết, hợp tác, huy động được sức mạnh cộng đồng, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước để tạo ra sức mạnh đa chiều. HTX đóng vai trò then chốt của kinh tế tập thể khu vực nông thôn; đóng góp của HTX vào ngân sách không lớn nhưng giá trị HTX tạo ra có sức mạnh hợp tác trong khu vực “tam nông”, thu hút nông dân, những người yêu nông nghiệp trở về xây dựng nông thôn mới. Chúng ta cần nhìn nhận HTX ở chiều rộng hơn, sâu hơn, đi vào các "giá trị mềm" mà kinh tế HTX tạo dựng được. Chính quyền các địa phương thực sự quan tâm tới HTX - một thiết chế KT-XH nông thôn.
THU DỊU