Dạy học thích ứng an toàn với diễn biến dịch
Giám đốc Sở GD&ÐT Ðào Ðức Tuấn cho hay, định hướng kế hoạch tổ chức dạy và học theo quy tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có 4 phương án, tương ứng với 4 cấp độ dịch. Ngành Giáo dục chuẩn bị chi tiết về điều kiện, sẵn sàng nhiều kịch bản, tránh bị động, lúng túng.
Cụ thể, việc triển khai dạy học trực tiếp và tổ chức bán trú tương ứng với hai cấp độ 1 (nguy cơ thấp) và 2 (nguy cơ trung bình) của dịch chỉ thực hiện khi đảm bảo an toàn và đủ điều kiện. Phương án ở cấp độ 2 cũng đề cập đến dạy học trực tuyến, song chỉ chọn một số tiết ở một số môn học của lớp 8, 9, 12.
+ Sở GD&ĐT xây dựng phương án dạy và học thích ứng với 4 cấp độ dịch.
- Trong ảnh: Học sinh tiểu học tại Quy Nhơn đến trường học trực tiếp, ngày 18.10. Ảnh: T. HIỀN
Khi dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), học sinh mầm non không đến trường mà chỉ thực hiện hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc trẻ tại nhà qua mạng xã hội, video, truyền hình… Ở tiểu học, dạy và học trực tiếp cho khối 4, 5; các khối còn lại, thông qua phụ huynh, giáo viên hướng dẫn học sinh học tập, ôn tập qua truyền hình. Tổ chức dạy và học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó số tiết học trực tuyến không quá 1/3 tổng số tiết dạy với khối THCS, và không quá 2/5 với khối THPT.
Khi dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), ở bậc tiểu học chỉ còn dạy trực tiếp khối 5 (chia 2 ca/ngày để giảm mật độ giáo viên, học sinh). Khối THCS triển khai dạy trực tiếp khối 8, 9 (chia 2 ca/ngày) kết hợp học trực tuyến với số tiết dạy không quá 2/5 tổng số tiết (chỉ chọn một số môn học). Tương tự, dạy học trực tiếp cho khối 12 (2 ca/ngày) kết hợp trực tuyến ở một số môn học chính với số tiết không quá 1/2 tổng số tiết dạy.
Để đảm bảo chất lượng dạy học, dù ở cấp độ nào thì số tiết dạy học trực tuyến cũng không quá nhiều và chỉ áp dụng cho những bài học lý thuyết; việc tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến cũng không kéo dài thời gian như học trực tiếp để bảo đảm sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.
Cơ bản thống nhất với việc xây dựng nhiều phương án dạy học nhưng một số địa phương cũng đặt ra một số vấn đề, tình huống còn khúc mắc như: Xử lý ca nghi nhiễm, ca nhiễm Covid-19 như thế nào, hỗ trợ điều kiện dạy và học trực tuyến ra sao.
Bà Tô Thị Thu Hường, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho hay: Kết quả khảo sát ở khối tiểu học cho thấy chỉ có hơn 35% học sinh có phương tiện học trực tuyến, ở cấp THCS cao hơn một chút - 47%. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch cụ thể để linh động dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trường hợp dịch bệnh phức tạp có thể sẽ triển khai ở khối THCS.
Tại TX Hoài Nhơn, khi vẫn còn trên 46% học sinh tiểu học, THCS chưa có thiết bị học trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND thị xã Trần Hữu Thảo cho biết, địa phương triển khai vận động mỗi cán bộ, công chức ủng hộ 1 ngày lương để mua thiết bị hỗ trợ học sinh, phần còn lại thị xã tính toán bù vào.
“Các địa phương phải có kế hoạch chủ động, hết sức cụ thể về việc dạy và học trực tuyến; để ngay khi dịch phức tạp không thể dạy học trực tiếp có thể triển khai. Các địa phương không được nói khó khăn nữa mà phải tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, trước hết về thiết bị để đảm bảo việc dạy tốt học tốt!”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang
“Chúng tôi đã khảo sát có 8 thôn chưa có sóng internet, từ nay đến tháng 12 sẽ phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ. Trong tháng 10 sẽ triển khai phủ sóng internet để 2 trường học ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh và xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn có điều kiện học trực tuyến”.
Ông Nguyễn Đình Lợi, Giám đốc Viettel Bình Định
THU HIỀN