Bảo vệ và phát triển rừng ven biển
Ngày 4.10.2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1662/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Việc triển khai Ðề án trên địa bàn tỉnh cần có những giải pháp phù hợp với thực tế các địa phương.
Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án gồm: Thực hiện quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có. Khôi phục và phát triển rừng, thực hiện trồng rừng mới 20.000 ha (rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng ngập mặn 9.800 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay 10.200 ha); trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha (rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển 6.800 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát 8.200 ha). Tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.
Một vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI THU
Để tổ chức thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố ven biển xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tổ chức rà soát, quy hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển....
Cùng với sự phát triển về KT-XH ở các địa phương ven biển trong tỉnh, nhiều diện tích rừng ven biển đã được chuyển mục đích sử dụng, trong khi việc trồng lại rừng mới ở ngay địa phương ven biển chưa được quan tâm đúng mức, hoặc khó thực hiện... bởi vấn đề quỹ đất. Có thể phần nào thấy được điều này qua một địa phương cụ thể như ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn.
Năm 2016, trên địa bàn xã Nhơn Lý có khoảng 415,36 ha rừng phòng hộ do nhiều chủ rừng quản lý, gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn 127 ha, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh 157,56 ha, Công ty CP Tập đoàn FLC 105 ha, UBND xã Nhơn Lý và rừng khoán cho hộ dân quản lý 25,8 ha. Nhưng đến nay, phần lớn diện tích rừng này đã chuyển sang mục đích khác để thực hiện các quy hoạch, dự án, xây dựng công trình... phục vụ phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: Diện tích rừng phòng hộ do UBND xã Nhơn Lý quản lý và rừng khoán cho hộ dân như năm 2016 đến nay đã không còn. Nếu tới đây lại tính chuyện trồng mới rừng phòng hộ tôi e là rất khó vì trên địa bàn hầu như không còn đất trống nữa.
Riêng với 105 ha do Công ty CP Tập đoàn FLC quản lý, các sở, ngành liên quan và địa phương đề nghị và đã được DN thống nhất thực hiện là khi nào triển khai xây dựng các hạng mục liên quan đến diện tích rừng phòng hộ được cho phép chuyển mục đích sử dụng thì mới phá bỏ rừng. Nếu chưa thật sự triển khai dự án thì vẫn giữ nguyên là rừng phòng hộ và tiếp tục bảo vệ để phát huy chức năng của loại rừng này.
Trong Đề án nêu trên, về thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên, có xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển... Việc triển khai Đề án ở Bình Định có đôi chút thuận lợi bởi với rừng ngập mặn, nhiều năm qua tỉnh đã quan tâm đầu tư khá nhiều.
Thực hiện Quy hoạch trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn tỉnh từ năm 2010 - 2020, gần 53 ha rừng ngập mặn đã có trước đó được bảo vệ tốt, đồng thời tỉnh còn cho trồng mới thêm 35,41 ha rừng ngập mặn. Theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) sẽ tổ chức trồng mới thêm 10 ha rừng ngập mặn.
Đáng chú ý, được tỉnh đầu tư xây dựng Vườn ươm giống cây ngập mặn, từ năm 2015 - 2021, Trung tâm Khuyến nông đã nhân giống thành công một số giống cây sống trong môi trường ngập mặn như: Bần trắng, mắm trắng, bần chua, dừa nước, nhằm đa dạng hóa giống cây trồng, tạo ra giống có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt để phục vụ chương trình phát triển rừng ngập mặn.
Để quản lý, phát triển rừng ngập mặn tốt hơn, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Có chính sách hỗ trợ tăng kinh phí khoán bảo vệ rừng ngập mặn do vùng này có điều kiện đi lại khó khăn, ngập nước, theo thủy triều… Cần đầu tư nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch để kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế của hộ nhận khoán mà vẫn phát huy hiệu quả của hệ sinh thái rừng ngập mặn; khi đảm bảo lợi ích hài hòa rừng sẽ bền vững hơn. Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho người dân gắn với bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư trồng và phát triển rừng ngập mặn, sản xuất, cung ứng cây giống...
HOÀI THU