Ðưa VÐV tuyến tỉnh thi đấu giải phong trào: “Hại” nhiều hơn lợi!
Lâu nay ngành Thể thao tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm - sân chơi phong trào chỉ dành cho VÐV phong trào. Tuy vậy, chuyện có nên cho VÐV các đội tuyển tỉnh tham gia thi đấu các giải thể thao phong trào hay không vẫn nhận được nhiều ý kiến trao đổi lại.
Trong nhiều năm qua, điều lệ của hầu như tất cả các giải đấu cấp tỉnh đều có các khoản hạn chế đối tượng tham gia là VĐV chuyên nghiệp, đang hưởng chế độ của ngành Thể thao; có điều lệ còn chi tiết hơn, khi cấm cả những VĐV mới nghỉ chuyên nghiệp trong một khoảng thời gian chưa đủ lâu. Điều này nhằm phân định rõ sân chơi chỉ dành cho VĐV phong trào, nhằm đánh giá thực chất sự phát triển ở các địa phương.
Tại các chương trình Đêm võ đài Bình Định, đã có những VĐV chuyên nghiệp thi đấu với VĐV phong trào, nhưng đó là khi đều nhận được sự đồng ý của các võ sư, HLV. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT) Phan Tuấn Sơn phân tích: “Hiện nay, hầu hết VĐV ở các đội tuyển thể thao tỉnh được tuyển từ các địa phương có phong trào mạnh như: An Nhơn, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn…, nếu đưa lượng VĐV này về thi đấu cho địa phương thì càng đào sâu khoảng cách về chuyên môn với các huyện còn lại”.
Tuy vậy, một HLV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cho hay: Khi đến các địa phương để tuyển VĐV năng khiếu, chúng tôi thường nghe những người làm thể thao “phàn nàn”, vì “mấy ông đưa hết lên tỉnh, khi có giải chúng tôi lấy đâu ra quân thi đấu”. Có trường hợp phát hiện VĐV có tố chất tốt, nhưng khi làm việc với trường, phòng GD&ĐT để chuyển học bạ các em vào Quy Nhơn thì họ nhất quyết không hợp tác. Vì vậy, chúng tôi đề xuất cho VĐV đội tuyển tỉnh chưa có thành tích, chưa có đẳng cấp được thi đấu trong màu áo của địa phương.
Trên thực tế, không phải không có các cuộc tranh tài giữa VĐV đội tuyển và VĐV phong trào. Điển hình là tại các chương trình Đêm võ đài Bình Định, nhiều VĐV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đã về thi đấu cho các võ đường. Trong đó, có nhiều trận đấu diễn ra khá cân bằng, với chất lượng chuyên môn cao. Thậm chí cũng có những trường hợp VĐV phong trào thắng VĐV đội tuyển. Tuy nhiên, với cách thức thi đấu chỉ 1 trận duy nhất như võ đài, việc quyết định đồng ý “cáp chạng” hay không phụ thuộc vào độ tin tưởng của võ sư đối với học trò mình. Bên cạnh đó, một võ sĩ phong trào dày dạn kinh nghiệm cũng có nhiều lợi thế trước VĐV trẻ được tập luyện bài bản trong thời gian chưa lâu.
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Giữa năm nay, khi chuẩn bị tổ chức Giải võ cổ truyền các CLB - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung, chúng tôi đã tham khảo ý kiến các võ đường, CLB về việc “trả” VĐV tuyển tỉnh về thi đấu cho võ đường, CLB. Hầu hết ý kiến phản hồi đều đề nghị chỉ nên để VĐV phong trào thi đấu với nhau thì trình độ chuyên môn ít chênh lệch. Trên thực tế, ngay cả khi chưa tham gia giải đấu nào hoặc chưa giành được huy chương, các VĐV ở đội tuyển tỉnh thường có trình độ chuyên môn vượt trội, do được tập luyện chuyên nghiệp, hưởng chế độ đầy đủ. Vì vậy, khi ban hành điều lệ chúng tôi chỉ dành sân chơi này cho VĐV thuộc các võ đường, phòng tập”.
Phân tích về ý tưởng đưa VĐV tuyến tỉnh về thi đấu giải phong trào, Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu nhìn nhận: “Đây là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm qua, tạo nên những luồng ý kiến trái chiều. Với việc đưa VĐV các đội tuyển tỉnh về thi đấu cho địa phương, chúng ta phần nào đánh giá được trình độ chuyên môn của HLV trong công tác đào tạo. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương phát hiện, giới thiệu VĐV xuất sắc cho đội tuyển tỉnh. Tuy nhiên, điều này lại tạo tâm lý e ngại, khi nhiều địa phương không có VĐV ở tuyến tỉnh không muốn tham gia vì khó tranh giải cao. Do vậy, chúng ta không nên đi theo hướng đó vì sự phát triển của phong trào là điều quan trọng hơn”.
HOÀNG QUÂN