SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ NĂM 2015:
Tạo cơ sở pháp lý, phục vụ chỉ đạo và điều hành phát triển đất nước
Chiều qua (20.10), tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển KT-XH. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, xung quanh vấn đề này.
Là cơ quan thực hiện chức năng tổ chức, điều phối các hoạt động thống kê theo chương trình công tác của Tổng cục Thống kê và tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động thống kê trên địa bàn tỉnh, xin bà cho biết những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Luật Thống kê năm 2015 tại tỉnh ta?
- Luật Thống kê 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 (cóhiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2016) cùng các văn bản dưới luật đã được Cục Thống kê tỉnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các sở, ngành, địa phương, cộng đồng DN và người dân trong tỉnh.
Cùng với đó, Cục Thống kê tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với các sở, ngành của tỉnh và địa phương, góp phần bảo đảm tính thống nhất giữa số liệu của ngành Thống kê và số liệu của các đơn vị, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng số liệu, dữ liệu thống kê. Chúng tôi cũng đã tổ chức điều tra, tổng điều tra trên nhiều lĩnh vực và đạt kết quả tích cực.
Chẳng hạn năm 2016, chúng tôi đã tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh; năm 2019 tiếp tục thực hiện đợt Tổng điều tra dân số và nhà ở; năm 2020 thực hiện điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳvà năm 2021 tiến hành Tổng điều tra kinh tế. Đặc biệt, Cục Thống kê tỉnh gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp điều tra, thu thập thông tin, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, tăng chất lượng và độ tin cậy số liệu, dữ liệu thống kê.
Thông tin, dữ liệu thống kê của ngành Thống kê đã giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đánh giá tình hình KT-XH, đề ra các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động phát triển KT-XH của tỉnh.
Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của tỉnh và của TP Quy Nhơn giám sát công tác thu thập thông tin tại một cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể ở phường Ngô Mây. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nhiều danh mục, chỉ tiêu của Luật Thống kê quốc gia năm 2015 chưa được cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển KT-XH của đất nước và các quy định mới của các tổ chức quốc tế mà nước ta mới tham gia, ký kết trong 5 năm trở lại đây. Ý kiến của bà về vấn này như thế nào?
- Đó cũng là chuyện bình thường thôi! Khi đất nước phát triển, nhiều vấn đề mới nảy sinh; hơn nữa trên bình diện quốc tế, khi trở thành thành viên của nhiều tổ chức, tham gia ký kết các hiệp định, thỏa ước… ta cũng phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn như các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu; dịch bệnh; giới, bình đẳng giới và các nhóm yếu thế trong xã hội; tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; cách mạng công nghiệp lần thứ4 và ứng dụng KHCN; công nghiệp hóa; đô thị hóa; phát triển khu vực tư nhân; khoảng cách về phát triển xã hội giữa các vùng miền. Ngoài ra, một số khái niệm, phương pháp tính, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp… cũng không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và quốc tế.
Dự kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê năm 2015 được trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Xin bà cho biết, những điểm mới nổi bật của Dự thảo?
- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê năm 2015 cókhá nhiều điểm mới. Cụ thể, đối với nhóm chỉ tiêu, có3 nhóm đã được sửa tên, trong đónhóm 7 “Tiền tệ và bảo hiểm” sửa thành “Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; nhóm 11 “Giá cả” sửa thành “Chỉ số giá”; nhóm 13 “Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa thành “Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.
Về chỉ tiêu thống kê, có129 chỉ tiêu của Luật Thống kê năm 2015 được giữ nguyên vì vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình KT-XH trong giai đoạn mới, đồng thời sửa tên 46 chỉ tiêu và bỏ 11 chỉ tiêu thống kê do không còn phù hợp với thực tế.
Dự thảo cóbổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển KT-XH của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây. Cùng với đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung quy định về việc định kỳ5 năm rà soát việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh...
Xin cảm ơn bà!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)