Chủ tịch nước: “Cầu thị, lo cho dân thì chúng ta sẽ tiến bộ”
“Chúng ta cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM chia sẻ điều này khi thảo luận ở tổ sáng 21.10 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả những vấn đề diễn ra ở đất nước ta từ dịch bệnh, thiên tai trong chỉ đạo, điều hành hay nói cách khác là quản trị đất nước 100 triệu dân là vấn đề rất khó khăn, do đó tất cả những chỉ đạo điều hành phải chú ý quản trị tốt nhất và ngoài thành quả chung nên rút kinh nghiệm sâu sắc về nhiều vấn đề trong bối cảnh nhiều thách thức đặt ra.
“Nếu làm việc tốt, cầu thị, lo cho dân thì chúng ta sẽ tiến bộ, phục vụ tốt cho nhân dân. Nhân dân trao quyền rất lớn nhưng cũng yêu cầu rất cao. Chúng ta phải biết rút kinh nghiệm tất cả việc đã làm để thời gian tới làm tốt hơn” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và mong rằng Chính phủ tiếp tục phát huy, các bộ trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, qua đợt dịch bệnh cho thấy sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, nhất là y tế “xông pha trận mạc” vất vả nhất. Chủ tịch nước có văn bản đề nghị Chính phủ, ngành y tế sơ kết, tổng kết, đánh giá tuyên dương công trạng của lực lượng tuyến đầu, những người có công trang lớn trong khám chữa bệnh cho nhân dân, những tấm gương thiện nguyện… để phát động lên tinh thần cách mạng.
Bên cạnh đó, tấm lòng của người dân, đóng góp của doanh nghiệp vô cùng lớn nên cần biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho khám chữa bệnh.
Nhấn mạnh không còn “zero Covid-19” mà phải thích ứng an toàn với Covid-19 bằng phương thức vắc xin, thuốc và 5K, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn thực tế nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện giãn cách xã hội, trong nước nhiều địa phương xuất hiện ổ dịch mới và lưu ý thực tế đó cho thấy không được chủ quan, không được đơn giản hóa, không thể từ cực này sang cực khác dẫn đến hậu quả mà phải đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết, kịp thời hơn nữa.
“Không thể đóng cửa mãi đất nước, ta cũng phải mở cửa giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế xã hội nhưng phải đề cao cảnh giác vì dịch Covid-19 vẫn đe dọa nước ta trong thời gian tới. Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rất nặng nề, đặc biệt là ngành y tế” – ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thừa nhận tình hình kinh tế có khó khăn, song Chủ tịch nước đánh giá thời gian qua khi mở cửa một bước thì không khí làm ăn là tích cực, bên cạnh nhiều nơi duy trì tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã có một số địa phương vươn lên mạnh nhẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TPHCM. Niềm tin phục hồi kinh tế Việt Nam là có cơ sở.
“Các tỉnh đều có quyết tâm rất cao, nên ngoài công nghệ cao phát triển thời gian qua, chúng ta đã đảm bảo được năng lượng, sản xuất xuất khẩu, nông nghiệp... Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội, đặc biệt là năm 2022. Uy tín của Việt Nam cao, chúng ta phải giữ cái này, cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hơn thời gian tới. Tôi có niềm tin mạnh mẽ” - ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ và tiếp tục nhấn mạnh yếu tố đoàn kết, ý chí phấn đấu, “chia ngọt sẻ bùi” vượt qua khó khăn để vươn lên của người dân Việt Nam.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)