Cần những chỉ đạo vĩ mô, quy định thống nhất để sớm trở lại “bình thường mới”
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, ngày 21.10, Quốc hội thảo luận ở tổ với các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn chủ trì phiên thảo luận tổ ngày 21.10. Ảnh: M.LÂM
Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 với những quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ, nhất là những chính sách mới từ Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, phòng chống dịch Covid-19, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị cần đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin để đạt chỉ tiêu bao phủ vắc-xin đã đề ra, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Từ đó, người dân, DN yên tâm lao động sản xuất, tạo nền tảng để hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Đồng thời, cần nghiên cứu đưa chi phí khám, điều trị cho người bị nhiễm Covid-19 vào danh mục thanh toán BHYT; đưa các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch vào danh mục hàng hóa bình ổn giá; kít xét nghiệm là mặt hàng thiết yếu, được kinh doanh có điều kiện, để người dân tự mua, tự xét nghiệm.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại một số tiêu chí quan trọng liên quan đến ngành Y tế (như số bác sĩ, số giường bệnh trên số dân) trong điều kiện bình thường và trong điều kiện chống dịch để có phương án điều chỉnh phù hợp, tránh bị động, lúng túng.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh quan tâm đến hoạt động dạy học trong điều kiện học sinh từ bậc THPT trở xuống chưa được tiêm ngừa Covid-19. ĐB Hạnh cho rằng, cần có sự chỉ đạo mang tính vĩ mô từ Chính phủ về tiêu chí “trường học an toàn”, từ đó có thể linh hoạt điều tiết chương trình học, “không câu nệ chương trình cứng”; có thể dạy học qua tivi, dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng các lớp cuối cấp.
ĐB Hạnh cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo thống nhất để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lao động về quê tránh dịch hiện không có việc làm. Từ thực tế này, các trường ĐH, CĐ nghề cũng cần tính toán xu thế việc làm trong thời gian đến để có định hướng mới trong đào tạo.
Cũng liên quan đến các vấn đề thời sự về khôi phục các hoạt động KT-XH, theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, quy định về kiểm soát hành khách đi lại trên các tuyến quốc lộ qua các địa phương phải thống nhất, không để mỗi nơi làm một kiểu. Tương tự, cần có quy định hết sức cụ thể khi cho phép các khu vực đảo, bán đảo được đón du khách, kể cả khách quốc tế.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, quy định về kiểm soát hành khách đi lại trên các tuyến quốc lộ qua các địa phương phải thống nhất, không để mỗi nơi làm một kiểu. Ảnh: M.LÂM
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, trong quá trình phục hồi du lịch, phải đánh giá du lịch nội địa là cứu cánh. Song, các địa phương chưa “ngồi lại” để bàn bạc, thống nhất, đưa ra các quy định chung để tránh mỗi địa phương có một quy định khác nhau, nhất là đối với khách du lịch đi theo nhóm, du khách là trẻ em…
Nguồn: BTV
MAI LÂM