Những khoảnh khắc võ cổ truyền Bình Định
Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn từng nhận định, võ cổ truyền Bình Định không chỉ đơn thuần là một môn phái, một cái nôi của võ thuật, mà là tinh hoa của một nền văn hóa.
Đoàn võ thuật thuộc môn phái Tinh võ đạo (Nga) thực hiện nghi thức bái sư ở chùa Long Phước (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), thể hiện tấm lòng "tôn sư trọng đạo" - nét đẹp văn hóa tốt đẹp của võ cổ truyền Việt Nam.
Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ (giữa), Chưởng môn phái Tinh võ đạo cùng các môn sinh giao lưu võ cổ truyền Bình Định tại chùa Long Phước, huyện Tuy Phước. Bà trăn trở dù bạn bè khắp nơi trên thế giới thán phục, mê mẩn, theo học từ lâu, hiện nay võ cổ truyền Bình Định mới dừng lại là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo các võ sư, võ sinh quốc tế, võ cổ truyền Bình Định ngày càng hấp dẫn nhiều võ sinh các nước châu Âu vì lối đánh uyển chuyển mềm mại, dùng nhu chế cương, dùng sức địch đối địch chứ không tốn nhiều sức lực.
Nữ võ sư Helene biểu diễn thế võ "Thân thiên hoàng cước". Đây là đòn tấn công đá vào chỗ hiểm hạ bộ, hạ gục đối thủ. " Tôi thích môn phái Tráng sĩ đạo, võ cổ truyền Việt Nam vì nó sinh động, uyển chuyển, linh hoạt, mang lại sức khỏe, niềm lạc quan yêu đời, hiếm có môn phái nào có được", nữ võ sư nói.
Ngày 20.10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.
Cụ thể, Phó thủ tướng đồng ý giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai lập Hồ sơ di sản đối với Nghệ thuật chèo Đồng bằng sông Hồng và võ cổ truyền Bình Định, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tháng 8.2014, tại lễ khai mạc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 5, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công bố võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Minh Hoàng (Zing.vn)