Tiền cổ thời Tây Sơn
Tuy tồn tại trong thời gian ngắn chỉ 24 năm (1778 - 1802), nhưng triều Tây Sơn có rất nhiều đóng góp cho dân tộc Việt Nam về mọi mặt từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong đó, triều Tây Sơn rất quan tâm việc xây dựng hệ thống tiền tệ và lưu hành tiền Việt, không chỉ để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế mà còn để khẳng định độc lập, tự chủ của nước ta.
Bộ sưu tập tiền cổ thời Tây Sơn đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo các nhà nghiên cứu, vương triều Tây Sơn đã cho đúc khá nhiều kiểu tiền; đồng tiền thời Tây Sơn thường có đường kính từ 22,5 - 26 mm, vành tiền rộng, tiền mỏng, sắc sảo, chất lượng nguyên liệu đồng rất cao. Từ đây ta đã có thể hình dung một phần trình độ kỹ thuật đúc kim loại thời kỳ Tây Sơn.
Trong thời gian trị vì từ năm 1778 - 1788, vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc cho đúc nhiều tiền đồng, nhưng chỉ có một loại là Thái Đức thông bảo. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, ngay sau đó ông cho đúc tiền Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo. Năm 1793, Nguyễn Huệ mất, con trai là Quang Toản lên nối ngôi vua và có hai lần lấy niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1801) và Bảo Hưng (1801 - 1802) cũng cho đúc các loại tiền niên hiệu Cảnh Thịnh thông bảo, Bảo Hưng thông bảo.
Tiền cổ mang trong mình nhiều thông tin lịch sử, với tiền do các triều đại phong kiến phát hành có giá trị như những pho sách. Bộ sưu tập tiền cổ thời Tây Sơn hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Quang Trung là những bộ sưu tập quý giá, phản ánh nhiều thông tin về vương triều Tây Sơn.
NGỌC NHUẬN