KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23.10.1961 - 23.10.2021)
Vang mãi thiên hùng ca trên biển
60 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn khai mở con đường kỳ tích như huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển như mới vừa hôm qua... Với riêng quân và dân Bình Định, sự hiện diện của “Đoàn tàu không số” ở Lộ Diêu sẽ luôn là niềm tự hào, động lực để phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với máu xương của nhiều cán bộ, thủy thủ đã tan vào biển cả.
Lộ Diêu - điểm son của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”
Kể từ khi con tàu đầu tiên chở vũ khí vào Nam, đến nay đã qua 6 thập kỷ. Nhân chứng sống của tàu không số 401 cập bến Lộ Diêu, trung úy Lê Văn Nốt (87 tuổi, hiện ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) tự nhận mình may mắn hơn các đồng đội đã mãi hóa thân vào biển. Thỉnh thoảng, ông ghé ra bãi biển Lộ Diêu ở gần nhà, nhìn biển, nhìn ghềnh đá năm xưa và nhớ về những năm tháng “đạp sóng” Biển Đông cùng đồng đội.
Đại biểu lãnh đạo tỉnh, địa phương, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân dành phút mặc niệm thành kính tưởng nhớ các lực lượng tham gia mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác trên biển tại Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số. Ảnh: HỒNG PHÚC
Gặp chúng tôi, những năm tháng thanh xuân hừng hực sức trẻ cống hiến chợt ùa về trong dòng hồi ức của người thủy thủ năm xưa. Ông Nốt kể: Sau khi khảo sát và tính toán kỹ lưỡng, cấp trên đã chọn LộDiêu làm bến đón chuyến hàng đầu tiên cho khu V. Sở dĩ bến Lộ Diêu được chọn vì có địa thế biệt lập với 1 mặt biển và 3 mặt núi, hai đầu thôn có đèo Lộ Diêu và đèo Hà Ra. Đồng thời, lúc bấy giờ đây là vùng giải phóng, tổ chức Đảng và các đoàn thể, đội du kích kiên cường bám trụ nên địch chưa thể khống chế được”.
“Những chiến công lẫy lừng của “Đoàn tàu không số” trên biển đã trở thành biểu tượng của ý chí giành độc lập, tự do. Bởi không một hoạt động tác chiến nào mà giữa “cái sống, cái chết” lại mong manh như khi thực hiện nhiệm vụ trên “Đoàn tàu không số”. Chỉ những con người có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mới dám nhận và hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn này”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Tháng 7.1963, ông Lê Văn Nốt tham gia tổ công tác đặc biệt của Tỉnh ủy thành lập, do đồng chí Nguyễn Phi Khanh làm trưởng đoàn, ra Bắc báo cáo cho Trung ương về công tác chuẩn bị của tỉnh. Sau đó, Trung ương chỉ thị cho tỉnh thành lập bộ phận chuyên trách (gọi là HB15) chuẩn bị các mặt để đón tàu vào.
Đến ngày 20.6.1964, đội tàu 401 được thành lập và ngày 14.9.1964 nhận lệnh, lên đường vào khu V. Tàu 401 được đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam, chở hơn 30 tấn vũ khí; tàu có 12 người, thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi). Sau các lần phải quay lại hoặc tránh trú do gặp phải bão, sóng to, gió lớn và vượt qua sự theo dõi, truy đuổi của địch, hơn 4 giờ sáng 1.11.1964, tàu 401 đến được bến Lộ Diêu.
Ông Trần Nguyên Đích (75 tuổi, hiện ở thôn Lộ Diêu) - người tham gia vận chuyển vũ khí lên bờ, nhớ lại: “Quân ta cho gác 2 đầu đèo không để người vào ra, tổ chức bảo vệ tàu, huy động toàn bộ lực lượng đào bãi cát để chôn giấu vũ khí. Đến 8 giờ sáng đã chôn xong hơn 30 tấn vũ khí. Vì tàu 401 bị mắc cạn và hư hỏng nặng không thể khắc phục được, chỉ huy tàu đã quyết định đặt kíp nổ đốt hủy tàu để xóa dấu vết. Đồng thời cho loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy”.
Tiếp theo chuyến đi của tàu 401, những “Đoàn tàu không số” khác lại kế tiếp nhau lên đường. Vẫn biết là sóng to, gió cả; là đồn bốt địch ken dày, tàu địch giăng khắp trên biển, nhưng “Đoàn tàu không số” vẫn hoàn thành sứ mệnh, vận chuyển trên 150 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và hàng nghìn lượt cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam… Góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Lộ Diêu và những điều mới mẻ
“Biển xanh cát trắng nắng vàng/ Ai ơi có nhớ cô nàng Lộ Diêu/ Lộ Diêu một biển ba đèo/ Gian nan đã vượt, khó nghèo đã qua… Từ trên cao nhìn xuống, Lộ Diêu như một cánh cung khổng lồ với lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển. Gành đá Lộ Diêu lúc ẩn, lúc hiện với đủ kiểu hình dáng hòa quyện với bãi cát vàng, sóng bạc tạo nên bức tranh đá nước mây trời kỳ vĩ, đẹp yên bình và thơ mộng. Con người nơi đây cũng rất chân chất, thật thà.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long tặng quà cho các CCB tham gia mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác trên biển. Ảnh: HỒNG PHÚC
Về Lộ Diêu hôm nay, chúng tôi cảm nhận được nhiều mới mẻ. Cái thời của một thôn cách trở, khổ cực đã lùi xa. Ông Võ Xuân Mạo, Trưởng thôn Lộ Diêu, hào hứng khoe: Toàn thôn có hơn 520 hộ dân. 100% người dân trong thôn đều được sử dụng điện, mạng internet phủ sóng rộng khắp, nhà nhà có xe máy, ti vi, tủ lạnh, trường học đã được kiên cố, chuẩn hóa... Nhiều hộ dân được tạo điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền, đầu tư phát triển kinh tế. Cuộc sống của bà con đã được nâng lên đáng kể...
Cùng chung niềm phấn khởi, ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, nói: Không chỉ là vựa lúa của TX Hoài Nhơn, Hoài Mỹ hôm nay còn biết phát triển kinh tế biển, nuôi tôm xuất khẩu. Đặc biệt, người dân rất vui mừng khi Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số, đã được khánh thành vào năm 2019. Đây vừa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cũng là tiềm năng phát triển du lịch kết nối với di tích Trạm Phẫu và dùng sản vật địa phương, nhất là trứng vịt lộn - sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Phát huy lợi thế kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh
Mảnh đất Lộ Diêu nhỏ bé đang mang trong mình quá khứ đầy tự hào và thực tiễn giàu tiềm năng của một thị xã anh hùng. Hoài Nhơn hôm nay như con tàu đang băng băng ra biển lớn với “trụ cột” kinh tế biển.
Trong đó, thị xã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt ít nhất 70% tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2035, Hoài Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương, chia sẻ: “Để hoàn thành mục tiêu này, thị xã sẽ tập trung quy hoạch, xây dựng đô thị, đầu tư các dự án công trình trọng điểm, mở hướng phát triển đô thị về phía biển theo mô hình “Một trục - hai cánh - bốn trung tâm”. Đồng thời, tập trung phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững”.
Thực tiễn chỉ ra rằng, qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh ta đã xây dựng được khu vực kinh tế biển phát triển khá toàn diện, gắn chặt với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng xác định phát triển kinh tế biển là một trong những đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961-23.10.2021), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long bày tỏ: Tình hình KT-XH khu vực biển, đảo của tỉnh ngày càng phát triển, các hoạt động kinh tế biển, đảo được quan tâm chỉ đạo, đầu tư; đời sống người dân được cải thiện. Có được kết quả đó là nhờ tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều dự án, đề án để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, đảo và ven biển trên địa bàn, với những giải pháp phù hợp thực tế từng địa phương; thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng và củng cố vững chắc.
HỒNG PHÚC