SẢN PHẨM OCOP ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN:
Sản xuất thuận lợi, sản phẩm vươn xa
Trong tháng 10.2021, UBND tỉnh đánh giá kết quả, xếp loại cho 51 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2021. Cùng với đó, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thêm điều kiện sản xuất, mở rộng thị trường.
Sau thành công với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, thăm dò thị trường, HTXNN Phước Hưng, huyện Tuy Phước mạnh dạn mở rộng kinh doanh gạo do chính mình sản xuất. Để thực hiện việc này, HTX xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gạo, đăng ký nhãn hiệu đồng thời đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP “Gạo quê Phước Hưng”, đầu tư hệ thống chế biến lúa sau thu hoạch, khép kín quy trình sản xuất - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao. Theo kết quả đánh giá, sản phẩm Gạo quê Phước Hưng được xếp hạng 3 sao.
Với lợi thế vùng nguyên liệu, HTXNN Phước Hưng mạnh dạn đầu tư phát triển lúa gạo thương phẩm, đến nay HTX cho ra mắt sản phẩm Gạo quê Phước Hưng tham gia Chương trình OCOP năm 2021. - Trong ảnh: Thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2021 của HTXNN Phước Hưng và sản phẩm Gạo quê Phước Hưng. Ảnh: NGUYỄN NGỌC THÀNH
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc HTXNN Phước Hưng, phân tích: Chúng tôi có lợi thế rất lớn, đó là chủ động được vùng nguyên liệu, hơn nữa tất cả các thành viên đều muốn phát triển nông sản sau thu hoạch, cụ thể ở đây là gạo. Toàn bộ “Gạo quê Phước Hưng” đều lấy từ ruộng lúa của thành viên HTX, nhờ đó việc truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin xuất xứ dễ dàng. Gạo có nguồn gốc, xuất xứ, quy trình canh tác rõ ràng là cơ sở quan trọng để phát triển nhãn hiệu. Vì vậy chúng tôi tổ chức giám sát toàn bộ quá trình từ canh tác, thu hoạch đến chế biến, đóng gói, đưa ra thị trường và lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng. Thêm vào đó việc đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP sẽ tạo điều kiện để “Gạo quê Phước Hưng” có thêm độ tin cậy đối với người tiêu dùng.
Năm 2021, huyện Hoài Ân có 4 sản phẩm đăng ký OCOP cấp tỉnh gồm: Sản phẩm Bún khô KICAFOODS của hộ kinh doanh Lê Thị Cảnh ở xã Ân Hảo Đông; Trà nụ hoa hòe của Công ty TNHH DULAH ở xã Ân Hảo Đông; Trầm hương của ông Nguyễn Bá Toàn ở xã Ân Mỹ; Mật ong dú của ông Tô Vũ Thành Tín ở xã Ân Tín. Ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân tích cực hỗ trợ các cá nhân, đơn vị phát triển sản xuất, đồng thời kết hợp đưa sản phẩm giới thiệu ở các hội chợ xúc tiến; lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ vốn phát triển.
Chia sẻ về điều này ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Đến nay, Hoài Ân có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp huyện. Chương trình OCOP của huyện gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện bố trí vốn hỗ trợ theo từng giai đoạn triển khai từ sản xuất, làm thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm!”.
Sản phẩm nước mắm Bếp Xưa - nhãn hàng nước mắm cao cấp của Công ty TNHH Hưng Thịnh Đạt, ở phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn được hội đồng địa phương đánh giá xếp hạng 5 sao, trình UBND tỉnh công nhận. Nói về điều này, ông Hồ Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Đạt, ở phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn, cho biết: Khi đưa sản phẩm nước mắm xuất khẩu - chúng tôi không chỉ trình bày với đối tác về chất lượng sản phẩm mà còn có những giới thiệu về yếu tố lịch sử văn hóa, con người, vùng miền của sản phẩm. Các đối tác nước ngoài quan tâm nhiều đến câu chuyện đi kèm, sản phẩm càng có tính đặc trưng địa phương cao, mức độ gắn kết giữa DN với cộng đồng dân cư địa phương lớn thì càng dễ thu hút đối tác. Các đối tác nước ngoài, đặc biệt ở thị trường các nước phát triển rất quan tâm tới việc DN tạo ra giá trị xã hội, tham gia phục vụ cộng đồng (an sinh xã hội, phúc lợi người lao động, đóng góp cộng đồng)… Khi chúng tôi thuyết minh với đối tác rằng - sản phẩm này là sản phẩm đã được địa phương chứng nhận hợp chuẩn OCOP, có sự tham gia liên kết sản xuất của những người làm nghề chế biến nước mắm thủ công truyền thống ở TX Hoài Nhơn - tất cả các đối tác đều đánh giá cao đặc điểm này.
Trong hoạt động xuất khẩu nông sản, chứng nhận OCOP góp phần giúp DN thu hút được nhiều đối tác nước ngoài. - Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Hưng Thịnh Đạt - DN sản xuất nước mắm truyền thống đầu tiên tại Bình Định xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Bình Định, đến nay Chi cục đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1 năm 2021 trình UBND tỉnh công nhận. Chi cục tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP của tỉnh tham gia các buổi kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ các địa phương, các chủ thể sản xuất OCOP trong quá trình phát triển.
THU DỊU