Kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số - Kỳ cuối: Thôn làng ta sáng lên
Tận dụng năng lực, điều kiện sẵn có, nỗ lực vận động và sáng tạo, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, LLVT và DN thực hiện kết nghĩa đã chú trọng các mô hình thay đổi diện mạo làng đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo bền vững. Đây là dấu ấn nổi bật của công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào DTTS sau gần 3 năm triển khai.
Đèn sáng, nhà văn hóa thêm tiện nghi
Bên cạnh các suất quà nhu yếu phẩm hỗ trợ cho dân làng, các cơ quan, DN đã chung sức hỗ trợ làng đồng bào DTTS về cơ sở vật chất.
Từ năm 2019 đến nay, Sở Tài chính và Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thôn O10, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân). Hai đơn vị đã xây dựng 350 m2 sân bê tông cho Trường Tiểu học Đắk Mang với tổng kinh phí 30 triệu đồng. Nhiều công trình thanh niên được triển khai như xây dựng khu vui chơi cho học sinh, “Thắp sáng đường quê” (dài 700 m từ nhà văn hóa đến cổng chào thôn O10); tổ chức phiên chợ 0 đồng… đã được Đoàn Thanh niên của hai đơn vị phối hợp với Đoàn Khối chính quyền huyện Hoài Ân thực hiện. Sự hợp lực, chung sức này đã mang đến màu sắc mới cho thôn O10.
Bộ CHQS tỉnh ký kết chương trình phối hợp chung sức xây dựng nông thôn mới với xã An Trung, huyện An Lão. Ảnh: HỒNG PHÚC
Triển khai lắp 6 trụ đèn chiếu sáng công cộng cho thôn Tmang Gheng (xã An Trung, huyện An Lão), lắp máy lọc nước cho trường mẫu giáo của thôn, Sở KH&CN và DN tư nhân An Kiều đã góp phần đưa một số mong mỏi thiết yếu của người dân thôn thành hiện thực. Ông Đinh Văn Dâm, Trưởng thôn Tmang Gheng (xã An Trung, huyện An Lão) kể: “Ngày trước, buổi tối, thôn buồn lắm vì không có điện công cộng. Từ năm 2020, với 6 trụ đèn năng lượng mặt trời do đơn vị kết nghĩa lắp, trẻ con có thể vui chơi buổi tối; người lớn thì an tâm hơn về ANTT. Có điện, kẻ xấu cũng e ngại bớt. Tôi đi đâu xa về, buổi tối đã có thể nhìn thấy làng mình sáng đèn từ xa, yên tâm hẳn”.
Nhà rông, nhà văn hóa thôn - nơi biểu hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, truyền thống lịch sử và tầm vóc của làng, thôn DTTS - cũng được các cơ quan, đơn vị, DN quan tâm, hỗ trợ. Theo đó, các tổ chức đã hỗ trợ các phương tiện truyền thanh, truyền hình; biểu tượng búa liềm, cờ đỏ - sao vàng, tượng Bác Hồ, ti vi, âm ly, micro, quạt, bàn ghế… cho các nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế tại các thôn, làng. Năm 2021, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh và DN đã có kế hoạch ủng hộ, xây dựng nhà rông thôn 3, xã An Hưng (huyện An Lão) ước tính kinh phí khoảng 250 triệu đồng.
Từng bước hỗ trợ sinh kế
Các làng đồng bào DTTS phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở. Trình độ dân trí của đồng bào DTTS nhìn chung còn thấp, chưa nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trăn trở về việc làm thế nào để đưa làng đồng bào đi lên, giảm khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, một số đơn vị kết nghĩa đã từng bước hỗ trợ sinh kế, chuyển giao KHKT.
Kết nghĩa với làng K3, xã Vĩnh Sơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tích cực vận động các hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân, mỗi hộ nhận khoán hơn 11 ha, mức khoán 400 nghìn đồng/ha. Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn người dân làng K3 về kỹ thuật, kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và PCCC rừng, các hình thức sản xuất phù hợp với thực tiễn địa phương để sản xuất, phát triển vốn rừng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Công ty CP Cảng Thị Nại và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bê giống cho hộ khó khăn tại làng đồng bào DTTS kết nghĩa - làng 6 (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Năm 2020, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) cũng đã khảo sát và chọn hộ ông Đinh Văn Khánh, ông Đinh Ách (thôn 3, xã An Trung, huyện An Lão) để xây dựng mô hình nấm bào ngư. Đại diện Trung tâm cho biết: Sắp tới, Trung tâm sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình và có phương án để tiếp tục phát triển mô hình.
Giữa năm 2021, Công ty CP Cảng Thị Nại đã tặng 13 con bê giống (tổng trị giá là 221 triệu đồng) cho 13 hộ khó khăn của làng 6 (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh). Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 nhà Đại đoàn kết với mức 40 triệu đồng/nhà. Tỉnh đoàn hỗ trợ Công trình thanh niên - sân bóng chuyền - với số tiền 20 triệu đồng.
Ông Đinh Gleng, 71 tuổi, người làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, là một người khuyết tật - một trong 13 người được hỗ trợ bê giống, hồ hởi: “Chắc là tôi không thả bò được vì sức khỏe không đủ. Việc này sẽ giao cho bà nhà tôi. Tôi sẽ cho nó ăn, uống nước khi nó ở nhà. Vợ chồng tôi coi con bò của quý cơ quan hỗ trợ như một thành viên mới trong gia đình, là của để dành”.
Sở KH&CN và DN tư nhân An Kiều lắp điện chiếu sáng công cộng cho thôn Tmang Gheng (xã An Trung, huyện An Lão). Ảnh: Sở KH&CN
Năm 2019, khi hoạt động kết nghĩa vừa được triển khai, làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh được đơn vị kết nghĩa - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn để xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”của huyện. Đến nay, làng phát huy hiệu quả của mô hình để xây dựng làng xanh, sạch, đẹp. Ông Đinh Bơ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng 6, chia sẻ: “Chương trình kết nghĩa giữa làng 6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Công ty CP Cảng Thị Nại đã từng bước đưa làng 6 phát triển, đi lên. Diện mạo của làng 6 khác trước bởi thông qua các hoạt động tuyên truyền của hai đơn vị. Với các con bê giống, nhà ở được hỗ trợ, người dân làng 6 vẫn đang nỗ lực chăm sóc, phát huy hiệu quả các công trình tài trợ để phấn đấu giảm nghèo, thêm hộ thoát nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: “Đối với làng kết nghĩa như làng 6, xã Vĩnh Thuận, vai trò của các cơ quan, DN kết nghĩa như chất xúc tác, tạo động lực, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cây con giống, các điều kiện để dân làng xây dựng và phát triển. Hiệu quả lâu dài của hoạt động kết nghĩa sẽ phải nhìn vào sự đổi thay lâu dài của khu dân cư DTTS”.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Thời gian đến, các đơn vị kết nghĩa cần có sự phối hợp với địa phương gắn kết giữa việc tuyên truyền, hướng dẫn KHKT trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề, giải quyết việc làm… cho vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu, nắm vững đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán và diễn biến tình hình vùng đồng bào DTTS để xây dựng kế hoạch kết nghĩa, nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú, phù hợp với từng dân tộc, từng thời điểm; phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, người có uy tín; có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả và tập trung tháo gỡ những vấn đề đang khó khăn của thôn…
NGUYỄN MUỘI