Tội phạm chưa thành niên: Vì đâu nên nỗi!
Có muôn vàn lý do để các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, song nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự lơ là, buông lỏng giám sát của gia đình dẫn đến các em bị lôi kéo, xúi giục phạm tội.
Thiếu giám sát từ gia đình
Trong số 3 bị cáo của vụ án lưu hành tiền giả mà TAND tỉnh xét xử mới đây, có 2 bị cáo là người chưa thành niên. Và đáng buồn hơn, anh trai Phạm Ngọc Ngân (SN 1996, TP Quy Nhơn) - chủ mưu của vụ án - lại là người dẫn dắt em trai mình là Nguyễn Ngọc Hà (SN 2003) vào con đường phạm tội. Hà khai: Khi được anh trai đưa tiền giả cho xem thì thấy tiền giả khá giống thật nên cũng muốn tiêu thử và cứ thế thực hiện. Còn Ngân thì thừa nhận: Sau những lần lên mạng xã hội facebook, biết việc mua bán tiền giả nên liên hệ mua thử và sau khi lấy 1 tờ mệnh giá 500 nghìn đồng mua trái cây thấy quá thuận lợi, nên đã rủ em trai cùng đi tiêu thụ.
Dự tòa với vai trò là người giám hộ của bị cáo Hà, bà N.T.E. cho rằng, do gia cảnh khó khăn, bản thân lo làm ăn nên thiếu sự sát sao để con phạm tội. “Thằng Ngân đã có công ăn việc làm, thằng Hà cũng đã lớn, nên tôi cứ nghĩ hai đứa biết suy nghĩ, nên có phần chủ quan không chỉ dạy con chu đáo. Xảy ra chuyện hôm nay, lỗi một phần do tôi bỏ bê con cái mà ra…”, bà E. rấm rứt nói trước hội đồng xét xử.
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án lưu hành tiền giả, trong 3 bị cáo có đến 2 người chưa thành niên. Ảnh: K.A
Ở nhiều phiên tòa hình sự, có những ông bố bà mẹ có con ở tuổi chưa thành niên phạm tội cũng nói rằng họ không hề biết con mình phạm tội, vì thấy “chúng vẫn lễ phép, sinh hoạt bình thường”. Song “bình thường” sao được khi mà họ dễ dãi thuận theo việc con nghỉ học, chấp nhận việc chúng thường xuyên ngủ qua đêm ở ngoài, thậm chí khi thấy con trẻ mang những chiếc xe máy lạ về nhà cũng không mảy may suy nghĩ... Như trường hợp của bị cáo Phạm Thị Mỹ Lan (SN 2004, huyện Phù Mỹ) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Tại thời điểm phạm tội, Lan mới 16 tuổi. Nhưng gia đình đã để em vào TP Quy Nhơn thuê trọ ở cùng bạn trai và rồi bị lôi kéo phạm tội. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND tỉnh, nhìn nhận: “Tội phạm chưa thành niên đa phần phạm tội do bị xúi giục, lôi kéo và kích động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người chưa thành niên phạm tội, trong đó nguyên nhân sâu xa vẫn là do sự buông lỏng quản lý của gia đình. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, không gian mạng được kết nối đa chiều, nhiều thông tin bổ ích, tích cực đan xen với các thông tin xấu, độc hại, tiêu cực “tấn công”, khiến các cháu dễ bị lung lay, lệnh chuẩn”.
Cần quan tâm, chia sẻ
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ CA, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó vi phạm hành chính, chiếm gần 63%. Đáng chú ý, trong số người chưa thành niên vi phạm pháp luật có gần 24% không biết chữ hoặc chỉ học hết tiểu học, gần 48% đã thôi học, gần 21% người chưa thành niên bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như bố hoặc mẹ bị phạt tù, ly dị, không có bố hoặc mẹ, hoặc đi lang thang. Từ những con số này cho thấy, điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động cùng với nhận thức chưa đầy đủ là yếu tố thúc đẩy hành vi vi phạm của người chưa thành niên. “Các cháu đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần, phần lớn chưa tự làm chủ được bản thân nên rất dễ bị lôi kéo. Xét về góc độ pháp luật, hiện nay có một số đối tượng lợi dụng tính nhân văn của pháp luật trong việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên ở một số loại tội ít nghiêm trọng để lôi kéo người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đây cũng là lý do mà tội phạm ngày càng trẻ hóa và phức tạp”, ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, phân tích.
Bên cạnh đó, hầu hết những trường hợp có con chưa thành niên phạm tội là do cha mẹ chỉ lo làm ăn mà thiếu sự quan tâm, giáo dục, định hướng, hoặc chiều con vô lối. Để rồi khi sự việc đáng tiếc xảy ra, họ chỉ biết nhờ cơ quan chức năng. Như chia sẻ của ba đối tượng T.H.D. (SN 2006, TP Quy Nhơn) nhiều lần bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp tài sản. Thay vì tìm cách giáo dục và quản lý con tốt hơn thì ba của D. tỏ ra bất lực, cho rằng: “Gia đình giờ hết cách rồi, chỉ biết nhờ các anh CA quản lý giúp”.
Theo ngành chức năng, để phòng ngừa tội phạm trong giới trẻ nói chung và người chưa thành niên nói riêng, ngoài công tác phòng ngừa tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng con em ý thức được các hành vi của mình có đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật hay không; ngăn ngừa các em bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm pháp. “Điều quan trọng trong hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật chính là làm sao giúp các cháu hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là hành vi vi phạm pháp luật để tránh xa. Chứ để hành vi cấu thành tội phạm rồi áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm hình sự; giáo dục tại trường giáo dưỡng hay xét xử thì đã quá muộn màng”, ông Nghĩa nói thêm.
KIỀU ANH