NGÀY LÀM VIỆC THỨ TƯ, KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV:
Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
(BĐ) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23.10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường và ở tổ thảo luận Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (người đứng) tham gia thảo luận trực tuyến trước Quốc hội vào chiều 23.10. Ảnh: N. HÂN
Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc sửa đổi luật, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, quy định phân cấp, phân loại đối với phim chiếu rạp; bổ sung một số nội dung về những hành vi nghiêm cấm trong từng thể loại điện ảnh; có chính sách tiền kiểm và hậu kiểm nghiêm và rõ hơn đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng…
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn góp ý đối với các tác phẩm điện ảnh Nhà nước được đầu tư bằng vốn ngân sách để phục vụ nhiệm vụ chính trị, nên tổ chức cuộc thi ý tưởng kịch bản, sau đó mới tiến hành đấu thầu để chuyển từ kịch bản điện ảnh thành tác phẩm điện ảnh, nhằm chọn được tác phẩm đảm bảo chất lượng.
Về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, nhiều nội dung đã được tiết giảm và bổ sung mới. Sự sửa đổi này mang tính toàn diện, cần thiết nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị nên sửa tên Dự án Luật theo năm ban hành; cần cân nhắc việc áp dụng quy định người được xét thi đua khen thưởng phải có sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học chỉ nên là tiêu chí phụ; cũng như cần quy định rõ về các danh hiệu NSNN, NSƯT, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú…
Tham gia thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động này ngày càng chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội; được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện KSND tối cao có nêu còn nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo nhưng chậm được hướng dẫn thi hành nên việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến kết quả điều tra xét xử và tính nghiêm minh của pháp luật. Đề nghị Viện KSND tối cao và các cơ quan tiến hành tố tụng cần sớm giải quyết vấn đề này.
Về đề nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng rất cần thiết, vừa góp phần khắc phục án tồn đọng, phù hợp với xu thế quốc tế. Tuy nhiên do đây là vấn đề mới nên cần có sự nghiên cứu, đánh giá hết sức cụ thể.
Băn khoăn trước một số vụ án lớn xảy ra trong nước đã lâu, được các ĐBQH quan tâm, nhiều lần kiến nghị trên các diễn đàn Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị các cơ quan tố tụng sớm xem xét, giải quyết dứt điểm, tránh tồn đọng kéo dài.
N. HÂN