Thích ứng với đại dịch bằng công nghệ 4.0
Với nhiều phụ nữ, công nghệ không phải là “thế mạnh”. Tuy vậy, để thích ứng với đại dịch, các chị đã mạnh dạn tiếp cận và tích cực ứng dụng các tiện ích công nghệ 4.0 để nâng cao hiểu biết xã hội và tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã khiến một số khu vực bị phong tỏa, nhiều người dân phải thực hiện cách ly. Vậy nhưng, chính trong những lúc dịch bệnh căng thẳng, phụ nữ nhiều nơi lại vận động được nguồn lực để triển khai những hoạt động hỗ trợ, tiếp sức lực lượng tuyến đầu rất hiệu quả. Chị Phạm Thị Chung, Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) cho biết, chị em rất ít khi trao đổi công việc trực tiếp mà hầu như đều nhắn tin qua facebook, zalo. “Ai cũng online 24/24 giờ và để chuông báo tin nhắn mới. Nhờ vậy mà bất cứ lúc nào, ở đâu, nhất là khi nhà tài trợ nhắn, gọi, chị em cũng nhận được thông tin, xác nhận, trao đổi ngay. Rồi lúc trao quà, tặng cơm, các chị phân công người chụp ảnh, gửi báo cáo nhà hảo tâm, từ đó có được lòng tin ở họ”, chị Chung cho hay.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Đề án 938 đã thu hút gần 1.300 lượt người tham gia. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
Chiều 22.10, chị Hồ Thị Hương Trà - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Mỹ - nhận thông báo từ Hội LHPN tỉnh về việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An vào chiều 29.10. Vài phút sau, chị nhắn thông tin lên nhóm zalo “Chủ tịch, Phó chủ tịch, ban chấp hành hội phụ nữ xã và huyện”. Chủ tịch hội LHPN 2 xã liên quan lập tức nhắn tin xác nhận, thống nhất địa điểm tổ chức cùng một số nội dung cần làm. “Vậy là xong, văn bản giấy sẽ gửi sau. Tổ chức hoạt động tại cơ sở, ngại nhất chuyện bị động, nhưng giờ thì yên tâm lắm rồi. Chị em biết sớm, sẽ chủ động bố trí, sắp xếp mọi việc ổn thỏa”, chị Trà trao đổi.
Ở TX An Nhơn, chị em hay nói vui: Covid gây nhiều khó khăn nhưng chị em mình đã biết “biến thách thức thành cơ hội trải nghiệm mua bán hàng online thành thạo”. Ngoài việc tiếp nhận, trao đổi thông tin, số chị em tiểu thương còn tham gia tích cực những gian hàng online và có thu nhập tốt ngay trong mùa dịch. Các chị đã sử dụng facebook, zalo cá nhân để giới thiệu mặt hàng mua bán, tiến hành giao dịch với khách hàng. Ngoài ra còn tham gia vào các trang web khác do các hội, nhóm, chính quyền địa phương thành lập. Chị Hồ Thị Tuyết Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Phong cho biết, quãng thời gian toàn xã thực hiện Chỉ thị 16, có gần 20 chị em tiểu thương sử dụng trang web chợ Nhơn Phong online của xã, cung cấp đầy đủ mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá cho người dân toàn xã mỗi ngày. Hiện tại, 2 chợ của xã đã hoạt động lại nhưng vẫn còn một số người đặt hàng qua trang web này và các chị vẫn duy trì việc tiếp nhận thông tin, giao hàng tận nhà cho họ.
Nhằm phát huy hiệu quả đạt được và động viên, khuyến khích phụ nữ toàn thị xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Ban Thường vụ Hội LHPN TX An Nhơn đã tổ chức cuộc thi làm video/clip tuyên truyền về tuyến đường xanh - sạch - đẹp; tuyến đường hoa do phụ nữ trồng và chăm sóc. Kết quả, 15 hội LHPN xã, phường đã tích cực hưởng ứng tham gia, xây dựng các video/clip tuyên truyền sinh động. “Nhiều video clip thể hiện sự nghiên cứu, học hỏi, đầu tư, có kỹ thuật quay phim, chụp hình đẹp, cắt ghép ảnh, lồng ghép giữa quay phim, bài hát và chiếu slide hình ảnh như video/clip của phường Nhơn Hòa, Bình Định, Nhơn Thành, Nhơn Hưng, xã Nhơn Tân, Nhơn Khánh, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc… Các chị còn sáng tạo lồng ghép giữa quay video kết hợp phỏng vấn, tạo hiệu ứng tuyên truyền rất hiệu quả, thể hiện đầy đủ hoạt động. Qua 2 ngày đăng tải các video clip trên trang facebook của hội và kết nối các trang facebook của Hội LHPN các xã phường, đã có gần 20.000 lượt người xem, like và chia sẻ, trong đó nhiều đơn vị có lượt like cao như: Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Tân…”, chị Lê Vũ Vân Kiều, Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn trao đổi.
Theo bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc tổ chức những hoạt động vừa tạo “áp lực mà cũng là động lực” giúp chị em mạnh dạn tiến gần đến việc làm chủ công nghệ thông tin. Chẳng hạn, thời gian qua, Hội đã tổ chức đại hội đại biểu phụ nữ cấp huyện trực tuyến ở một số địa phương hay tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Đề án 938 trên địa bàn tỉnh Bình Định”.
“Kết quả đạt được đều đáp ứng yêu cầu, mong muốn đặt ra. Qua đó, chị em thêm mạnh dạn, tự tin ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, các cuộc thi trực tuyến cũng là một cách phổ biến kiến thức hiệu quả, nhất là khi việc tổ chức tập trung gặp khó khăn do dịch bệnh”, bà Hạnh chia sẻ.
NGỌC TÚ