Mưa lớn gây ngập lụt, hư hại công trình giao thông ở một số địa phương
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đêm 23.10 đến sáng 24.10, khu vực tỉnh có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi lớn hơn như: Quy Nhơn 108 mm, hồ Đá Mài (Vân Canh) 151,4 mm, Nhơn Thọ (An Nhơn) 124 mm, Nghĩa Điền (Hoài Ân) 123,4 mm…
Từ sáng đến trưa 24.10, một đoạn đường ở KV 2, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn bị ngập nước. Ảnh: HOÀI THU
Đoạn đường đi qua đồng ruộng ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn bị ngập nước trưa 24.10. Ảnh: HOÀI THU
Tại TP Quy Nhơn, tại các khu vực gần sông Hà Thanh như ở KV2, KV3 phường Nhơn Phú, KV1 phường Nhơn Bình..., có những đoạn đường ngập khoảng từ 1/3 đến 1/2 bánh xe máy, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Tại nơi có nguy cơ cao sạt lở như khu dân cư trên núi Một (tổ 1, KV1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), nước mưa chảy từ phía trên núi xuống ít, nhưng người dân cho biết nếu mưa lớn kéo dài cả ngày thì nước sẽ “chảy như thác”, trong khi nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi, có nhà đã xuống cấp, nứt tường qua các đợt mưa bão năm trước. Do đó chính quyền địa phương cần chủ động phương án sớm di dời dân khi cần thiết...
Mực nước sông Hà Thanh đang lên trưa 24.10, đoạn chảy qua khu vực phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI THU
Đường công vụ tạm thi công dự án cầu đường Trần Nhân Tông (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn, làm thu hẹp dòng chảy sông Hà Thanh. Ảnh: Ảnh: HOÀI THU
Một vấn đề khác cần quan tâm là đường công vụ tạm thi công dự án cầu đường Trần Nhân Tông (phường Nhơn Phú) vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn, làm thu hẹp dòng chảy sông Hà Thanh, dù trước đó UBND TP Quy Nhơn đã đề nghị Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh nhanh chóng tháo dỡ để thông thoáng dòng chảy trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, gần khu vực thi công cũng có một số hố, đất đá chưa được lấp dọn, nếu nước ngập nhiều hơn sẽ che khuất, có thể gây nguy hiểm cho người qua lại đoạn đường này.
Đập dâng Nha Phu, xã Phước Hòa đã điều tiết thoát lũ nhanh qua 6 cống xả. Ảnh: XUÂN THỨC
Đường vào một khu dân cư thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa bị ngập. Ảnh: XUÂN THỨC
Mưa lụt gây chia cắt một số khu dân cư thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa. Ảnh: XUÂN THỨC
Ở huyện Tuy Phước, từ ngày 23 - 24.10 có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao trên các con sông lớn trên địa bàn huyện. UBND huyện chỉ đạo các xã ven đê khu Đông, gồm Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng cho mở toàn bộ các đập dâng, cống qua đê, kịp thời thoát lũ ra đầm Thị Nại. Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: Địa phương là vùng rốn lũ, trên địa bàn có đập dâng Nha Phu mới đưa vào sử dụng năm ngoái và các cống qua đê, chúng tôi đều đã bố trí nhân lực phối hợp với chủ đầu tư công trình thực hiện các biện pháp để đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy. Đối với các hộ dân ở ven đê vùng trũng thấp, xã cũng đã chuẩn bị 5 ghe máy thường trực sẵn sàng di dời các hộ lên vùng cao, trú ngụ ở các trường học, nhà văn hóa thôn an toàn. Phương án di dời dân bảo đảm nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch Covid-19. Đến trưa 24.10, nước sông dâng cao khiến một số khu dân cư thôn Kim Xuyên, Tùng Giản thuộc xã Phước Hòa bị chia cắt; các khu vực khác nước, bắt đầu tràn vào đồng, bà con cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm để sẵn sàng ứng phó.
Tại các huyện miền núi, trung du trong tỉnh, mưa lớn gây ngập lụt, hư hại một số công trình giao thông. Theo ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, do mưa lớn, khoảng 10 giờ sáng 24.10, nước chảy xiết làm sập mố cầu Ngô La (thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) trên tuyến QL 19C, gây chia cắt giao thông. Hiện Sở GTVT đang thực hiện các biện pháp khắc phục, đổ đất đá nối liền vị trí sạt lở. Dự kiến, đến cuối giờ chiều nay (24.10) sẽ thông tuyến qua cầu. Sáng 24.10, lãnh đạo huyện Vân Canh đã đi kiểm tra một số công trình gồm các cống tràn qua suối, những tuyến đường có nguy cơ bị chia cắt do sạt lở như: Đường từ ngã ba làng Kà Te đi các làng Kà Nâu, Kà Bưng, Kà Bông (xã Canh Liên); đường giao thông vào làng Canh Giao (xã Canh Hiệp)... để chuẩn phương án ứng phó khi có sự cố xảy ra khi mưa lớn.
Sáng 24.10, trên địa bàn huyện Hoài Ân có mưa lớn khiến mực nước các sông đang lên. Ban chỉ huy Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện đang nắm tình hình thực tế ở các địa phương để kịp thời chỉ đạo có các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín, tính đến trưa 24.10, các hồ chứa trên địa bàn huyện tích nước chỉ mới 60% dung tích.
Tại huyện Phù Mỹ, những trận mưa lớn trong 2 ngày 23 và 24.10 đã bổ sung một lượng nước đáng kể cho các ao, hồ, sông, suối. Đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ trong thời gian ngắn ở một số khu vực trũng, thấp, do nước không thoát kịp, tuy nhiên đến chiều 24.10, chưa ghi nhận tình trạng ngập úng hoa màu.
Ở TX Hoài Nhơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Chí Công cho biết chính quyền các cấp đang chủ động theo sát tình hình diễn biến mưa lũ trên địa bàn. Đến hiện tại, ở một số vùng trũng ngập, tình hình chưa có gì đặc biệt nghiêm trọng.
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên từ ngày 24 - 25.10, khu vực tỉnh có mưa to đến rất to và dông, với lượng mưa phổ biến ở phía Nam tỉnh từ 80 - 120 mm, có nơi trên 150 mm; phía Bắc tỉnh từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, ven sông, gồm: Nguy cơ cao: TX Hoài Nhơn (xã Hoài Sơn), huyện Hoài Ân (các xã: Ân Hảo Ðông, Ân Sơn, Ân Nghĩa, thị trấn Tăng Bạc Hổ), huyện An Lão (các xã: An Hòa, An Tân, An Vinh, An Nghĩa, thị trấn An Lão), huyện Vĩnh Thạnh (các xã: Vïnh Kim, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh), huyện Vân Canh (các xã: Canh Liên, Canh Hiệp), TP Quy Nhơn (các xã, phường: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Quang Trung, Ghềnh Ráng, Đống Đa).
Nguy cơ trung bình: Huyện Phù Mỹ (xã Mỹ Hiệp), huyện Phù Cát (xã Cát Minh), huyện Tây Sơn (xã Bình Tường).
HOÀI THU - THU DỊU - XUÂN THỨC - THANH TRỌN
8.1: Sáng 24.10, sập mố cầu Ngô La (thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) trên tuyến QL 19C, gây chia cắt giao thông lên huyện. Ảnh: UBND huyện Vân Canh cung cấp.
8.2: Các đơn vị chức năng đang khẩn trương khắc phục sập mố cấu Ngô La để thông tuyến chiều 24.10. Ảnh: UBND huyện Vân Canh cung cấp.
+13: Sáng 24.10, lãnh đạo UBND huyện Vân Canh đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại xã Canh Thuận và Canh Hòa, chỉ đạo ngành chuyên môn của huyện và UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, không cho người dân đi vớt củi, chăn thả bò, lên nương rẫy lúc trời đang mưa to và nước trên thượng nguồn đang đổ về gây nguy hiểm. Đồng thời, huy động lực lượng xung kích khắc phục các điểm cầu bị sạt lở, cắm các biển báo cấm người và phương tiện qua lại... Ảnh: ĐÌNH DẶM
+14: Lãnh đạo UBND huyện Vân Canh kiểm tra sạt lở cầu do mưa lớn tại xã Canh Thuận và xã Canh Hòa sáng 24.10. Ảnh: ĐÌNH DẶM.
12: Đường công vụ tạm thi công dự án cầu đường Trần Nhân Tông (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn, làm thu hẹp dòng chảy sông Hà Thanh. Ảnh: Ảnh: HOÀI THU