Ðề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19
Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, các cơ quan liên quan đang tham mưu triển khai Nghị quyết 126/NQ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 68/NQ-CP; tham mưu UBND tỉnh trình HÐND thông qua Nghị quyết bổ sung một số chính sách hỗ trợ lao động tự do, đối tượng đặc thù khó khăn do dịch Covid-19.
Các chính sách an sinh
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến ngày 22.10, ngành BHXH tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng cho 3.210 đơn vị/hơn 85.300 lao động, với tổng số tiền (tạm tính) là 50,3 tỷ đồng. Về hỗ trợ cho người lao động, BHXH tỉnh đã chi trực tiếp cho hơn 23.100 người lao động với tổng số tiền hơn 54,4 tỷ đồng.
Chị Lưu Ngọc Trâm (28 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) từng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2019 đến tháng 5.2020 tại một DN. Sau khi nghỉ việc tại DN, chị trở thành lao động tự do. Tại thời điểm nghỉ việc, chị không hưởng trợ cấp thất nghiệp vì để quá thời hạn đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Biết mình thuộc nhóm đối tượng dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 30.9.2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, chị đã nộp hồ sơ tại ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID).
Hơn 1 tuần trước, chị Trâm đã nhận được số tiền 2,1 triệu đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chuyển vào tài khoản cá nhân. Từng nhận định rằng mình thuộc nhóm đối tượng bị bỏ quên trong những quy định về chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nay nhận được hỗ trợ, chị Trâm khá phấn khởi.
Tiểu thương chợ Đầm nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 vào ngày 21.10. Ảnh: Ban quản lý chợ Đầm
Về thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg, tổng kinh phí hỗ trợ đến thời điểm hiện tại hơn 48 tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 20,58 tỷ đồng; tạm dừng quỹ hưu trí, tử tuất gần 479 triệu đồng; hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh là 19,288 tỷ đồng; hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc là 8,207 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và các đối tượng đặc thù khác, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã lập danh sách, thực hiện chi trả cho 44.565 người. Tổng số tiền thực hiện hơn 66,8 tỷ đồng, vượt 23 tỷ đồng so với kế hoạch. Ngân sách tỉnh đã bổ sung, ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh 50 tỷ đồng để cho người lao động vay nhằm chuyển đổi việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Đến nay, việc giải ngân vốn vay cơ bản hoàn tất.
Ngày 21.10 vừa qua, Ban quản lý chợ Đầm (TP Quy Nhơn) đã thực hiện hỗ trợ cho 56 tiểu thương có hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Coivid-19. Bà Nguyễn Thị Anh Đào, kinh doanh mặt hàng quần áo trẻ em tại chợ Đầm, chia sẻ: “Từ ngày 15.8 đến ngày 15.10, tôi đóng sạp, ngừng bán hàng, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Được Nhà nước, tỉnh hỗ trợ, tôi rất mừng. 3 triệu đồng là số tiền không quá lớn đối với những khó khăn trong 2 tháng vừa qua của các tiểu thương như tôi, nhưng đây là thời điểm cần biết san sẻ với nhau, bởi Nhà nước, tỉnh phải chăm lo cho rất nhiều người”.
Rà soát, đề xuất bổ sung chính sách
Trên cơ sở tiếp thu kiến nghị của các địa phương, cơ quan và người dân, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát nhu cầu hỗ trợ của các đối tượng, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH đề xuất UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ với một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Các đối tượng được đề xuất bổ sung vào Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND và Quyết định 46/2021/QĐ-UBND gồm: Người lao động tự do từ vùng dịch trở về tỉnh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công, hộ có người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số…. Người lao động có ký kết hợp đồng lao động nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc bị tạm ngừng việc từ 15 ngày liên tiếp trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”.
Sở LĐ-TB&XH cũng kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ học phí học kỳ I (năm học 2021 - 2022) cho học sinh, học viên, sinh viên là con của các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 46/2021/QĐ-UBND; chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động từ vùng dịch trở về địa phương có nhu cầu học nghề; hỗ trợ cho vay cho người lao động trở về tỉnh từ vùng dịch.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP. Nghị quyết 126 bổ sung, làm rõ một số vấn đề để DN, người dân, người lao động dễ tiếp cận gói hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, tập trung vào một số điểm mới điều chỉnh về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; bỏ điều kiện nợ xấu tín dụng trong quy định về chính sách cho vay trả lương ngừng việc; bổ sung một số trường hợp hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách…
NGUYỄN MUỘI