Vừa chống dịch vừa đảm bảo “mạch máu” thông tin
Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã củng cố hạ tầng, mạng lưới, chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó.
Do dịch bệnh Covid-19, hoạt động đi lại giữa các tỉnh hạn chế, việc huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu giữa các tỉnh khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa bão gặp nhiều trở ngại. Vì thế, các DN viễn thông đã chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm ứng cứu kịp thời khi có tình huống thiên tai, nhất là tại những khu vực thực hiện giãn cách, phong tỏa do dịch Covid-19.
Trong điều kiện bình thường mới, các phương án ứng phó đã được các DN triển khai kết hợp với việc thực hiện 5K và tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên; bám sát tình hình thực tế từng vùng, tính chất bất thường của thời tiết và dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo yêu cầu của Sở TT&TT, các DN viễn thông sẵn sàng phương án truyền thông, kỹ thuật để bảo đảm thông tin liên lạc phòng, chống lụt bão.
Công tác kiểm tra, bảo dưỡng toàn hệ thống và các trang thiết bị được VNPT Bình Định thực hiện nghiêm túc. Trong ảnh: Nhân viên VNPT Bình Định kiểm tra hệ thống BTS. Ảnh: HỒNG HÀ
Ngay từ quý I/2021, Viễn thông Bình Định (VNPT Bình Định) đã lên sẵn các phương án, kịch bản ứng phó và triển khai diễn tập cho các đơn vị trên địa bàn. Đơn vị đã hoàn thành công tác bảo dưỡng trụ ăng ten, máy phát điện, hạ tải các trạm nhiều ăng ten nằm ở những khu vực có nguy cơ. Thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo thông tin liên lạc tại các huyện, xã đáp ứng mọi tình huống xảy ra, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành thông suốt giữa các cấp.
Ông Phạm Quốc Trung, Quyền Giám đốc VNPT Bình Định, cho biết: “Năm nay, VNPT Bình Định quán triệt đến từng đơn vị xây dựng kế hoạch làm việc với chính quyền địa phương để thống nhất phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong tình hình dịch bệnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội”.
Chi nhánh MobiFone Bình Định đã lên phương án chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần trong điều kiện giãn cách; đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và nhu yếu phẩm.
Nhân viên kỹ thuật của Viettel Bình Định kiểm tra đường dây và thiết bị trước mùa mưa bão. Ảnh: HỒNG HÀ
Trong khi đó, các kịch bản, phương án ứng phó của Chi nhánh Tập doàn Viễn thông quân đội tại Bình Định (Viettel Bình Định) được xây dựng dựa trên giả thiết có nhiều địa bàn bị cô lập do bão lũ, cách ly do dịch bệnh, việc đi lại khó khăn. Do vậy, công tác chuẩn bị nhiên liệu, máy phát điện tự động, huy động nguồn lực tại địa bàn được đặt lên hàng đầu. Đối với các vị trí trọng yếu, Viettel Bình Định tiến hành gia cố các trạm thu phát sóng, cung cấp dịch vụ đường truyền đảm bảo 2 đường (1 đường chính và 1 đường dự phòng).
Tại trụ sở Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, Viettel dự phòng 1 xe phát sóng cơ động để phục vụ. VNPT cũng chuẩn bị thiết bị hệ thống thông tin chuyên dùng như điện thoại Vsat-Ip và Inmarsat, vô tuyến sóng ngắn sẵn sàng phục vụ công tác điều hành của UBND tỉnh.
Công tác chỉ đạo, điều hành đều được các DN viễn thông chuẩn bị khá tốt. Viettel sẽ thực hiện công tác điều hành, giao việc, báo cáo trên phần mềm phòng chống thiên tai do DN xây dựng. Đồng thời, triển khai các nhóm báo cáo nhanh trên nền tảng Mocha của Viettel. VNPT cũng xây dựng nhóm OTT (dịch vụ nhắn tin, gọi điện, gửi hình ảnh, video thông qua internet) để thực hiện báo cáo nhanh định kỳ hằng giờ, hằng ngày. Ông Nguyễn Đình Lợi, Giám đốc Viettel Bình Định, chia sẻ: “Quan trọng nhất là công tác chuẩn bị trước bão. Năm nay, mùa mưa bão đến trùng với thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì thế khâu chuẩn bị được tính toán kỹ hơn, nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh gây ra”.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha cho biết: Theo chỉ đạo của Sở, các DN đã chủ động các phương án ứng phó bão lũ kết hợp với phòng, chống dịch. Nhìn chung, các phương án đã lên được kịch bản ứng phó cụ thể trong trường hợp trước, trong và sau bão lũ hoặc sự cố, cố gắng hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra.
HỒNG HÀ