Phước Sơn phân loại rác thải tại nguồn
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đã triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn cho 700/6.418 hộ trên địa bàn xã. Để thu hút được sự tham gia tích cực từ phía người dân, ngoài việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn quy trình thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, xã hỗ trợ thùng ủ rác hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình.
Cán bộ UBND xã Phước Sơn hướng dẫn cho hộ gia đình phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
Để việc phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đảm bảo kỹ thuật, mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 2 thùng đựng rác, có ký hiệu riêng biệt. Bà Nguyễn Thị Bích Ái (ở thôn Phụng Sơn), chia sẻ: “Tôi thấy phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết. Gia đình tôi tận dụng thực phẩm đã hỏng hoặc thức ăn dư thừa như rau, củ, quả, thịt, cá… để ủ làm phân bón cho cây trồng. Đối với rác thải tái chế hoặc tái sử dụng, tôi thu gom vào bao tải đựng riêng để dùng lại hoặc bán phế liệu”.
Rác vô cơ không tái chế sau khi phân loại được người dân mang ra các điểm tập kết rác thải, sau đó Ban Quản lý Nước sạch và Vệ sinh môi trường huyện thu gom với tần suất 2 lần/tuần và vận chuyển đến bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (TP Quy Nhơn) xử lý. Trong năm 2021, xã thành lập riêng 1 đội thu gom rác và đầu tư gần 150 xe đẩy rác bằng tay, bố trí trên các tuyến đường liên xóm, liên thôn. Mỗi tuyến đường có khoảng 6 điểm tập kết rác, tại mỗi điểm 3 xe đẩy, việc thu gom đã “phủ sóng” hầu hết ở 10 thôn, đạt trên 78%. Rác thải được phân loại tốt tại nguồn còn giúp cho các điểm tập kết không bị ứ đọng, ô nhiễm môi trường, đơn vị thu gom cũng dễ dàng thực hiện.
Ông Nguyễn Thành Tịnh, cán bộ Địa chính - Môi trường UBND xã Phước Sơn, nhận xét: “Mô hình phân loại rác thải tại nguồn mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý chất thải rắn, hữu cơ, vô cơ, bước đầu giảm thiểu được lượng rác thải phát sinh từ hộ gia đình. Mô hình vừa góp phần bảo đảm công tác phân loại rác vừa bảo đảm được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Để duy trì mô hình, xã Phước Sơn đang lên phương án xây lắp hố ủ rác hữu cơ đặt tại gia đình đối với các hộ có vườn rộng. Còn đối với hộ không có vườn thì tận dụng thùng, xô đặt ở khu vực cạnh nhà để ủ rác. Xã sẽ đánh giá hiệu quả mô hình và triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn xã, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường khu vực nông thôn”.
ĐÌNH NGUYÊN