PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH COVID-19:
Xây dựng nhiều phương án ứng phó
Mùa mưa bão năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên vấn đề quan trọng trong đảm bảo an toàn khi sơ tán dân là đồng thời phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Điều đó buộc các cấp, các ngành, địa phương nâng cao tinh thần chủ động, linh hoạt với nhiều phương án ứng phó.
Cảnh báo nguy cơ sạt lở ở nhiều nơi
Tại huyện miền núi An Lão, qua 2 ngày mưa lớn (23 - 24.10), ngập úng chỉ mới xảy ra cục bộ ở một số địa phương, nhưng xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Tại điểm sạt lở đường tránh hồ Đồng Mít, ngay trong sáng 25.10, huyện đã huy động lực lượng tiến hành dọn dẹp, san ủi, nối liền giao thông. Tuyến đường từ xã An Hòa đi xã An Toàn có 3 điểm sạt lở, khối lượng sạt lở khoảng 1.500 m3 đất, đá, địa phương cũng đã khắc phục và thông tuyến. Ngoài ra, có 3 khu dân cư ở xã An Toàn, An Vinh đã xuất hiện sạt lở đất. Theo Chủ tịch UBND huyện Trương Tứ, thống kê sơ bộ thiệt hại ban đầu trên địa bàn huyện hơn 400 triệu đồng.
Tại TP Quy Nhơn, sáng 25.10, xảy ra 2 vụ sạt lở: Một phần vách núi Bà Hỏa (đoạn thuộc KV 5, phường Lê Hồng Phong) bị lở, đất đá rơi xuống đường làm bị thương 3 người đang đi xe máy trên đường Nguyễn Tất Thành (đoạn gần ngã 5 Đống Đa). Hiện tượng sạt lở đất đá từ trên núi xuống cũng diễn ra ở một tuyến đường thuộc KV 3, phường Ghềnh Ráng. Cả 2 điểm sạt lở này đã được khắc phục ngay trong ngày.
Thu dọn đất đá sạt lở vách núi Bà Hỏa, TP Quy Nhơn (ảnh chụp sáng 25.10). Ảnh: THU DỊU
Cuối năm ngoái, sau khi phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành khảo sát, Bộ CHQS tỉnh đã báo cáo về 35 khu vực tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ về sạt lở đất, đá gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân và chia cắt giao thông. Tuy nhiên, điều đáng lo là điểm sạt lở tại núi Bà Hỏa kể trên không nằm trong số các vị trí đã được cảnh báo.
Theo ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh - hiện tượng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi lượng mưa đạt mức từ 50 mm trở lên... Trong khi đó, chỉ tính từ 19 giờ ngày 23.10 đến 16 giờ ngày 24.10, lượng mưa đo được tại nhiều trạm đo trên địa bàn tỉnh đã lên tới mức từ 130 - 168 mm.
Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng Phòng NNN&PTNT huyện Phù Cát, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện - cho biết: Huyện Phù Cát có 1 khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại núi Gành ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, với 36 hộ dân chưa di dời được đến khu tái định cư. Chiều 24.10, Chủ tịch UBND huyện đã đến thăm hỏi, động viên tất cả các hộ dân nơi đây sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời chỉ đạo đơn vị chức năng, UBND xã tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến phòng, chống nguy cơ xảy ra sạt lở ở khu vực này.
Sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng dịch
Mùa mưa bão năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên từ giữa tháng 10.2021, Sở Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, thông tin: UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương chủ động lên nhiều phương án di dời dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời đảm bảo giãn cách đúng quy định. Khi sơ tán dân, thực hiện theo vùng nguy cơ dịch từ cấp thôn, khu phố, tương ứng với các màu xanh, vàng, cam, đỏ. Dân vùng nào sẽ được di tản theo vùng đó, tránh tập trung gây lây nhiễm dịch bệnh. Hiện tất cả các xã, phường đã có nhiều phương án để bảo vệ dân.
Tỉnh lộ 640 qua địa bàn xã Cát Chánh, huyện Phù Cát bị ngập trong nước lũ (ảnh chụp sáng 25.10). Ảnh: XUÂN THỨC
Huyện Tuy Phước cũng đã sớm tính toán di dời dân trong vùng xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng khi có mưa lũ xảy ra theo tình huống cụ thể đảm bảo phòng, chống dịch. “Công tác di dời dân dễ xảy ra tình trạng tập trung, tiếp xúc gần, là nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, nên năm nay còn phải tập trung đảm bảo giãn cách, theo tính toán mật độ dân số từng vùng cụ thể và địa điểm di tản đáp ứng yêu cầu. Đồng thời mỗi xã, thị trấn cũng xây dựng phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình dịch bệnh mỗi địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Ngọc Xuân cho biết.
Huyện Phù Cát cũng đã xây dựng phương án sơ tán dân khi có thiên tai theo vùng, nhóm theo cấp độ, nguy cơ lây lan dịch. Ngoài đối tượng F1 cách ly tập trung, huyện cũng đã chuẩn bị các khu cách ly tập trung riêng cho đối tượng F2 (cách ly tại nhà) phải sơ tán khi có thiên tai.
Nguồn: BTV
* Sáng 25.10, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã trực tiếp kiểm tra tại hiện trường sạt lở vách núi Bà Hỏa, chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, thực hiện các biện pháp gia cố trong tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, UBND TP Quy Nhơn khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, các chuyên gia địa chất, đánh giá tác động tại khu vực này trong tình hình tiếp tục có mưa lớn để xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người dân, giao thông trên tuyến đường này.
* Chiều 25.10, UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng, chống thiên tai.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chỉ đạo: Các địa phương, các lãnh đạo sở, ban, ngành hoãn các cuộc họp không cần thiết, tập trung cho công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; lên phương án sơ tán khẩn cấp dân ở các vùng xảy ra ngập lụt, nguy cơ lũ quét, đảm bảo an toàn. Trong tình hình mưa lớn, nếu một số địa phương đã bị ngập nhanh, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị phương tiện kịp thời ứng cứu người dân. Ngành NN&PTNT chú trọng an toàn đê điều, hồ đập, giám sát an toàn vận hành hồ đập, trong đó có các hồ xung yếu. Đặc biệt lưu ý nguy cơ sạt lở cao ở vùng đồi núi sau khi mưa nhiều.
* Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: UBND thành phố theo dõi tình hình thiên tai, tập trung chỉ đạo 2 nội dung cơ bản là di dời dân và đảm bảo ATGT trong quá trình mưa lũ, không để xảy ra sự cố tại các đường, đập tràn trên địa bàn, chỉ đạo lực lượng tại chỗ ứng cứu người dân, túc trực ngầm tràn, không để người dân qua lại vùng nguy hiểm. Từ ngày 24.10, TP Quy Nhơn cử 20 người cùng phương tiện phân bổ về các phường, xã để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai.
HOÀI THU - THU DỊU - THẢO KHUY