Triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân
(BĐ) - Ngày 26.10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đi kiểm tra các công trình giao thông, đê sông, các điểm sạt sở đất đá, khu vực tiêu thoát lũ trên địa bàn huyện Vân Canh, TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.
Sau khi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Sáng 26.10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đi kiểm tra thực tế một số công trình giao thông, đê sông có nguy cơ xảy ra sự cố do thiên tai ở huyện Vân Canh, gồm: Cầu Bình Long, ở thôn An Long 1; cầu Ngô La, ở thôn Hiệp Vinh 1; khu vực sông Hà Thanh ở thôn Tăng Lợi (cùng địa bàn xã Canh Vinh) và khảo sát địa điểm xây dựng đập dâng Hà Thanh 1 thuộc địa bàn xã Canh Hiển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cùng các sở, ngành của tỉnh đi kiểm tra các công trình giao thông, đê sông trên địa bàn huyện Vân Canh.
Cầu Bình Long bắc qua sông Hà Thanh được xây dựng từ năm 2002, qua thời gian sử dụng và chịu tác động của thiên tai, mưa lũ, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nhịp cầu bị hư hỏng, sụt lún. Hai bên thượng lưu và hạ lưu cầu Bình Long cũng xuất hiện tình trạng sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Vân Canh đã rào chắn 2 đầu cầu, ngăn cấm người dân lưu thông qua cầu.
Nhiều nhịp cầu Bình Long, ở thôn An Long 1, xã Canh Vinh bị sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Cầu Ngô La trên tuyến QL 19C có một mố cầu phía Bắc bị sụp trong ngày 24.10, đã được Sở GTVT và UBND huyện Vân Canh gia cố tạm, đảm bảo lưu thông, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sự cố trong mùa mưa năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long kiểm tra khu vực đê sông Hà Thanh thuộc địa bàn thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh bị sạt lở.
Tại khu vực sông Hà Thanh thuộc địa bàn thôn Tăng Lợi, nhiều hộ dân trồng keo lấn ra sông làm cho lòng sông bị thu hẹp, thay đổi dòng chảy.
Còn khu vực bờ sông Suối Nhiên, một nhánh sông Hà Thanh, đã bị các cơn mưa trong những ngày qua làm sạt lở với chiều dài hơn 100 m, ăn sâu vào khu vực đất sản xuất của người dân. Đáng chú ý là dọc bờ sông đang xảy ra sạt lở đất có nhiều diện tích keo của người dân trồng lấn ra bờ sông, làm cho lòng sông bị thu hẹp, khiến dòng chảy thay đổi sang phía khu dân cư. Trường hợp xảy ra mưa lũ lớn, mức độ sạt lở sẽ gia tăng, uy hiếp nhà nhiều hộ dân ở địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và các ngành chức năng của tỉnh khảo sát khu vực thực hiện Dự án đập dâng Hà Thanh 1 trên bản đồ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Lương Đình Tiên, địa phương đã xác định cụ thể các điểm có nguy cơ bị sạt lở đất, công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ sự cố; các vùng có khả năng bị ngập nước; số hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ cần phải di dời đến nơi an toàn, đồng thời tích cực triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho người dân và công trình tại các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long kiểm tra kỹ mố cầu Ngô La
Sau khi kiểm tra thực tế các công trình giao thông, đê sông tại huyện Vân Canh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chỉ đạo: Hiện áp thấp nhiệt đới đang diễn biến phức tạp, khả năng sẽ xảy ra nhiều đợt mưa to, trong khi đó nhiều công trình, giao thông, thủy lợi, đê sông đang có nguy cơ sự cố, nên huyện Vân Canh phải khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình, giao thông, thủy lợi… trên địa bàn.
Đê bờ sông Hà Thanh bị sạt lở, kéo theo cả cây keo của người dân đổ xuống lòng sông.
Cầu Ngô La trên tuyến QL 19C đã được khắc phục sự cố sập mố cầu.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Vân Canh thông báo cho người dân biết nguy cơ sự cố của cầu Bình Long, bố trí lực lượng tại 2 đầu cầu không để người dân lưu thông qua lại. Những vùng có nguy cơ sạt lở đất, ngập nước cần phải chủ động phương án di dời dân đến nơi an toàn. Trong ngày 26 và 27.10.2021, UBND huyện Vân Canh và Sở NN&PTNT huy động phương tiện xử lý dứt điểm khối lượng đất cát ở dưới lòng sông và cả những diện tích keo trồng lấn ra sông Hà Thanh ở khu vực thôn Tăng Lợi để khơi thông dòng chảy, không để mưa lũ làm sạt lở đất sản xuất, uy hiếp nhà dân. Sở GTVT tiếp tục gia cố mố cầu Ngô La, không để đất đá sạt lở thêm, đảm bảo an toàn lưu thông trên tuyến QL 19C. Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh cùng với UBND huyện Vân Canh và các sở, ngành của tỉnh chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Dự án đập dâng Hà Thanh 1.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn khẩn trương thu dọn đất đá trên núi đã sạt lở xuống gần nhà dân tại KV 3, phường Ghềnh Ráng và có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Các chủ đầu tư, nhà thầu ngừng xây dựng các công trình, dự án dọc tuyến QL 1D, đồng thời có phương án phòng chống sạt lở, không để đất đá trong công trường và trên các vách núi trong khu vực của công trình, dự án đổ xuống đường. Yêu cầu UBND TP Quy Nhơn và Sở TN&MT nhanh chóng kiểm tra, làm rõ, sau 10 ngày phải báo cáo thực trạng quản lý, lấn chiếm đất đai, biện pháp xử lý gửi UBND tỉnh đối với nhiều trường hợp dân đang lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép dọc theo tuyến QL 1D.
Nguồn: BTV
Sở Xây dựng và UBND TP Quy Nhơn phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. UBND TP Quy Nhơn cũng cần chủ động đầu tư hệ thống giao thông kết nối và hệ thống tiêu thoát lũ trên sông Cây Me từ phường Nhơn Phú đến phường Đống Đa, không để xảy ra tình trạng sạt lở đất bờ sông, gây ngập úng nhà dân khi xảy ra mưa lũ lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tuy Phước khơi thông dòng chảy trên tuyến sông Gò Chàm (xã Phước Hưng). Sở NN&PTNT đánh giá lại thực trạng việc tiêu thoát lũ tại sông Gò Chàm và nhiều khu vực khác trên các con sông, báo cáo UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (đứng giữa) yêu cầu UBND huyện Tuy Phước khơi thông dòng chảy trên sông Gò Chàm, xã Phước Hưng để tiêu thoát lũ. Ảnh: TIẾN SỸ
● Chiều 26.10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đi kiểm tra và chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại huyện Vĩnh Thạnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh, trong những ngày qua, khu vực huyện Vĩnh Thạnh có mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn, nặng nhất ở tuyến đường ven hồ Định Bình có 7 điểm sạt lở, với khoảng 200 m3 đất đá. Huyện đã huy động phương tiện khắc phục sự cố, đến nay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao tại đèo Kon Trú, làng O3 (xã Vĩnh Kim) và đèo Vĩnh Sơn.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời với diễn biến mưa lũ. Trong đó, tập trung rà soát các khu dân cư có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân. Bố trí lực lượng tại các nơi xung yếu, cắm biển cảnh báo ở khu vực nguy hiểm để hướng dẫn người dân đi lại an toàn. Tuyệt đối nghiêm cấm người dân đi lại trên các đoạn đèo dốc nguy cơ sạt lở cao hoặc những nơi nước ngập sâu, chảy xiết. Chuẩn bị sẵn sàng thiết bị máy móc để khơi thông các đoạn đường bị sạt lở, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi lưu thông cung ứng hàng hóa đến các xã vùng cao.
TIẾN SỸ - HOÀNG QUÂN