TRỒNG RỪNG THÂM CANH GỖ LỚN SỬ DỤNG GIỐNG KEO LAI NUÔI CẤY MÔ:
Triển vọng mới trong trồng rừng thâm canh
Từ năm 2020, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án Khuyến nông Trung ương, tỉnh Bình Ðịnh triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô tại huyện Vân Canh. Chỉ sau hơn 1 năm, mô hình đã mở ra triển vọng mới về trồng rừng thâm canh cho nông dân.
Bình Định hiện có khoảng 150 nghìn héc ta rừng trồng, trong đó rừng keo các loại chiếm hơn 80%. Mặc dù diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng liên tục tăng lên, bình quân mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1 triệu tấn gỗ nguyên liệu, nhưng chỉ có 10% trong số đó đủ điều kiện phục vụ ngành chế biến gỗ, phần lớn còn lại dùng để chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Có điều này là bởi người dân cũng như các DN trồng rừng tập trung khai thác khi rừng mới 4 - 5 tuổi. Hướng phát triển này đem lại giá trị kinh tế thấp so với trồng rừng gỗ lớn phục vụ ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ, đặc biệt là chế biến đồ gỗ xuất khẩu - một thế mạnh của Bình Định.
Rừng trồng gỗ lớn sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô được công nhận ở huyện Vân Canh. Ảnh: THÀNH TRUNG
Từ năm 2020 đến nay, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh và các xã: Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa triển khai mô hình trồng 95 ha rừng gỗ lớn sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô được công nhận, với 28 hộ tham gia. Trong đó: Năm 2020 trồng 40 ha/2 điểm trình diễn tại xã Canh Hiển, năm 2021 trồng 55 ha/3 điểm trình diễn tại xã Canh Hiệp và Canh Hòa. Đây là mô hình trồng rừng gỗ lớn đầu tiên ở Bình Định mà chủ rừng là hộ dân. Tham gia mô hình, các hộ dân được Dự án hỗ trợ 100% cây giống dòng AH1, BV75, phân bón, kỹ thuật. Việc thực hiện mô hình có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án - chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao của các hộ dân tham gia.
Cuối tháng 9.2021, khi kiểm tra thực địa, Đoàn Kiểm tra Dự án Khuyến nông Trung ương do Sở NN&PTNT chủ trì đánh giá cao khả năng thành công của mô hình. Rừng trồng năm 2020 có tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng, phát triển tốt (vượt trội so với rừng trồng của người dân ngoài mô hình), gần như không bị sâu bệnh, cây có đường kính thân từ 2 - 3 cm, cao từ 2,5 m trở lên. Hiện Trung tâm Khuyến nông đang triển khai trồng mới 55 ha nữa, đạt 100% kế hoạch năm 2021.
Tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh hiện có là hơn 2.700 ha, chủ yếu do 3 Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh và Sông Kôn đầu tư. Theo Ðề án “Phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035”, đến năm 2025 sẽ hình thành 10.000 ha rừng gỗ lớn, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 trồng thêm hơn 7.300 ha, nhằm tạo vùng nguyên liệu cây gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lĩnh vực trồng rừng; hình thành chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp từ cây giống chất lượng cao, trồng rừng, khai thác, chế biến và xuất khẩu.
Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, việc xây dựng mô hình tại địa phương phù hợp với nhu cầu của nông dân; không chỉ thay đổi cách làm của người dân mà còn thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí, giúp người dân giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng; chống xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu; tăng hiệu quả kinh tế khi phát triển rừng theo hướng bền vững.
Từ mô hình trồng rừng sử dụng cây giống keo lai nuôi cấy mô, bà con nông dân đã bước đầu nâng cao nhận thức về cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng; biết chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chuyển dần sang trồng rừng kinh tế bền vững. Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục đồng hành cùng người nông dân trong việc áp dụng KHKT để trồng rừng; tư vấn, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc cây trồng giai đoạn tiếp theo để cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng, phát triển tốt.
Có thể nói, đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, các cấp, ngành cần phối hợp để thực hiện đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ người dân quen dần, có thêm điều kiện để trồng rừng gỗ lớn; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn.
MINH TIẾN