Khi lớp học “không bục giảng”
Cùng với việc tranh thủ tối đa “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp, từ ngày 25.10 nhiều trường học trên địa bàn có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại Quy Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát đã tổ chức dạy học trực tuyến.
Quy Nhơn triển khai cho cấp tiểu học, THCS
Chiều 25.10, 15 lớp học của khối 6, 7 tại Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) khởi động dạy học trực tuyến đồng loạt. Không gian lớp chỉ có thầy, cô giáo, toàn bộ học sinh kết nối trực tuyến.
Tại lớp học 6A3, tiết học Lịch sử - Địa lý của cô giáo Trịnh Thị Thanh Huyền diễn ra khá thú vị với bài học “Ký hiệu và chú giải trên một số bản đồ thông dụng” được thiết kế hình ảnh, video sinh động. “Học trực tuyến với cả thầy và trò đều vất vả. Nhưng, giáo viên cố gắng bỏ công nhiều hơn cho từng bài giảng, tận dụng được ưu thế của công nghệ thông tin thì việc thiết kế bài học sẽ có nhiều dữ liệu hình ảnh, video minh họa, giúp bài học phong phú để thu hút học sinh”, cô Huyền nói.
Học sinh nội thành Quy Nhơn học trực tuyến từ ngày 25.10. Ảnh: T. HIỀN
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, sau khi 1 giáo viên mắc Covid-19, trường xác định dạy học trực tuyến là lựa chọn tối ưu để đảm bảo an toàn, nhất là khi học sinh chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong số 1.349 học sinh toàn trường, có 126 em chưa có thiết bị học trực tuyến, nhà trường tuyên truyền, vận động phụ huynh trang bị cho con em, đồng thời báo cáo Phòng GD&ĐT thành phố để có kế hoạch vận động hỗ trợ.
“Với những trường hợp này, giáo viên kết nối để hướng dẫn, hỗ trợ các em khắc phục khó khăn, gửi bài học và bài tập về nhà. Nhà trường cũng xây dựng lại toàn bộ chương trình đảm bảo dạy học trực tuyến những nội dung chính, cốt lõi”, bà Hà cho hay.
Ngày 25.10, Sở GD&ÐT ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, các địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2 thì tổ chức học trực tiếp; củng cố điều kiện hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng chuyển sang hình thức học trực tuyến khi dịch phức tạp. Ðịa bàn có dịch ở cấp độ 3, 4 thì tổ chức học trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn
Quy Nhơn là địa phương duy nhất của tỉnh triển khai dạy học trực tuyến đồng loạt cho 46 trường tiểu học, THCS ở các phường nội thành, sau khi ghi nhận ca F0 trong trường học. Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Tô Thị Thu Hường cho hay, học sinh khối 1, 2, 3, nhà trường giao bài học và bài tập qua zalo nhóm phụ huynh để hỗ trợ các em học tại nhà, các khối còn lại học trực tuyến. Giáo viên sử dụng tối đa các điều kiện bổ trợ, ứng dụng các nền tảng thông dụng như Google Meet, Zoom, kho học liệu, xây dựng bài giảng riêng, kèm theo sách giáo khoa. Nội dung dạy trực tuyến phải đáp ứng yêu cầu của chương trình, tập trung kiến thức cốt lõi hoặc xây dựng theo chủ đề.
Sau ngày học đầu tiên, bà Lê Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cho biết, khối 5 có 239/252 học sinh tham gia học trực tuyến, khối 4 có 290/311 em tham gia. Một số học sinh mà gia đình khó khăn, chưa có thiết bị để học trực tuyến, giáo viên hướng dẫn nội dung học trong sách giáo khoa, gửi link học liệu qua zalo, ghi nội dung bài trên giấy A4 gửi phụ huynh để hỗ trợ con em học.
Để học sinh, phụ huynh đồng lòng
Sau khi 15 học sinh trở thành F0, Trường THPT số 2 Phù Cát (huyện Phù Cát) chuyển sang dạy trực tuyến. Hiệu trưởng nhà trường Trần Thúc Kháng thông tin: Thời gian đầu của dịch Covid-19, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến như một giải pháp tình thế để không làm gián đoạn việc học, nhưng hiện nay, lựa chọn này là tất yếu. Với 5 tiết học theo thời khóa biểu, nhà trường chia 2 ca (sáng 3 tiết, chiều 2 tiết) để tránh áp lực cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thúy (Trường Tiểu học Quang Trung, TP Quy Nhơn) cho rằng, dạy trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực để rút ngắn khoảng cách với học sinh do thiếu sự tương tác trực tiếp. Ảnh: T. HIỀN
Để dạy và học trực tuyến hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là học sinh tham gia tích cực, phụ huynh đồng hành với nhà trường. Tại Trường Tiểu học số 2 Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn) - nơi có 2 học sinh mắc Covid-19, việc dạy trực tuyến được triển khai cho khối 3, 4, 5. “Thời gian học được giáo viên linh động, trong 17 lớp thì có 3 lớp học trực tuyến vào buổi tối”, ông Lê Ngọc Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Cô Minh Ngọc, chủ nhiệm lớp 6A4, Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn), cho hay: Khi một số phụ huynh có tâm lý e dè, không muốn cho con mình học trực tuyến, việc đầu tiên là giáo viên phải thuyết phục phụ huynh đồng lòng với ngành giáo dục, từ đó hỗ trợ các em trong quá trình học. Giáo viên cũng trao đổi với phụ huynh để có khung giờ giải đáp những thắc mắc, phản hồi về việc học.
Còn cô Nguyễn Thị Thúy, chủ nhiệm lớp 4G, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Quy Nhơn), bày tỏ: Dạy trực tuyến cũng là khi giáo viên và học sinh cần cố gắng rút ngắn khoảng cách do thiếu sự tương tác trực tiếp với học sinh. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tìm tòi, nghiên cứu và nỗ lực để thành thạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, tăng mức độ tương tác trực tuyến.
THU HIỀN