Gần 500 hộ dân ở xã Mỹ Chánh “khát” nước sạch
Đây là tình cảnh của gần 500 hộ dân thuộc các thôn An Xuyên 2, An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh và thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, khi mà một năm nay nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh cung cấp cho bà con đứt hẳn.
Phải mua nước dùng hàng ngày
Bởi vậy, khi chúng tôi vừa hỏi “Nghe nói ở đây thiếu nước sạch?”, vợ chồng ông Huỳnh Bá Hòa, ở đầu thôn An Xuyên 2, đồng thanh “cải chính” ngay: “Có nước đâu mà thiếu”. Ông Hòa cho biết, đây là vùng gần biển, nước bị nhiễm mặn. Trước đây, người dân sử dụng nguồn nước từ đập An Mỹ (xã Mỹ Cát) từ sông La Tinh chảy qua địa phận các thôn, nhưng từ khi Nhà máy nước sạch của xã Mỹ Chánh được xây dựng (năm 2002), cung cấp nước sạch cho các hộ trong vùng, thì không ai đắp đập nữa. Tuy nhiên nguồn nước sạch này cứ yếu dần. Và từ tháng 4.2012 thì dừng hẳn đến nay. Một năm qua, người dân nơi đây phải xách thùng, chở can đi xin nước ở các thôn có nước sạch hoặc xuống xã Cát Minh để mua nước sạch về dùng.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng thôn An Xuyên 2, cho biết toàn thôn có 165 hộ. Phần lớn các hộ nằm ở khu vực trên cao nên nguồn nước sạch khó đến được. Các hộ ở nơi thấp hơn được hưởng chút ít, nhưng cũng trong tình trạng ngày cúp hẳn, đêm nhỏ từng giọt.
Bà Trần Thị Bình, một hộ dân ở trong thôn, bức xúc: “Vì nước chảy nửa đêm về sáng, nên cứ đến nửa đêm là tôi phải đi xin nước. Ngại lắm chớ, nhưng cũng may mà mọi người thông cảm với nỗi khổ chung của cả xóm nên chẳng lấy làm phiền”. Mỗi đêm, bà Bình hứng khoảng 6 đôi nước (mỗi đôi 30 lít) mới đủ để ăn, uống cho cả nhà trong ngày. Đối với vợ chồng ông Lê Văn Tài, đã trên 60 tuổi, không còn đủ sức gánh nước, thì mỗi ngày phải mua 4 thùng nước tinh khiết (loại 10.000 đồng/thùng 20 lít) mới đủ dùng.
Ở thôn An Xuyên 3, nơi gần biển hơn, 156 hộ dân cũng đang trong tình trạng điêu đứng vì thiếu nước sạch. Ông Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3, nói: “Một số nơi của An Xuyên 2, người ta có thể dùng tạm thứ nước lờ lợ từ giếng khoan để giặt giũ, tắm rửa, còn ở thôn tôi đến thứ nước ấy cũng khó vì không tìm được mạch nước ngầm, xung quanh đều là ao, đìa”. Năm ngoái, ông Sơn và hơn chục gia đình đã gặp may khi khoan trúng mạch nước ngầm. Họ hùn nhau, kéo đường ống dài cả cây số để lấy nước sinh hoạt dẫu nước có vị măn mẳn. Bà Nguyễn Thị Thừa, ở thôn An Xuyên 3, tự an ủi: “Nấu cơm lên để nguội, cơm có vị mặn mặn, nước uống cũng vậy. Nhưng thôi kệ, nhiều người trong thôn còn phải đến nhà mình xin nước để dùng nữa kia mà”.
Bao giờ mới hết khát?
Theo ông Trần Văn Sang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Chánh, Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh được xây dựng từ năm 2002 với công suất thiết kế ban đầu là 900m3/ngày đêm, phục vụ cho 3.100 hộ dân thuộc 16 thôn trong xã và một phần thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát. Tuy nhiên, vì thời gian sử dụng đã lâu nên Nhà máy xuống cấp, giờ chỉ đủ cung cấp nước cho khoảng 1.500 hộ dân thuộc 7 thôn phía trên. Các thôn còn lại thì trong tình trạng nước khi có khi không, chất lượng nước không tốt, bị phèn. Riêng các thôn An Xuyên 2, An Xuyên 3 và An Mỹ (Mỹ Cát) một năm qua tuyệt nhiên không có nước sạch.
Một số hộ đã tự khoan giếng, nhưng nước bị nhiễm mặn, hoặc gặp đá bàn không khoan được. Mọi nỗ lực hầu như không mang lại hiệu quả. “Dân kêu với xã, xã đã phản ánh lên huyện, đến cả tỉnh. Năm ngoái nghe nói cấp trên đầu tư 10 tỉ đồng để xây dựng lại nhà máy nước sạch, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì…”- ông Sang bức xúc.
Ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết thêm: “Mỹ Chánh là một trong những xã của Phù Mỹ thiếu nước sạch nghiêm trọng vì ở gần biển. Năm ngoái, Trung tâm cũng đã về đây khảo sát để xây dựng nhà máy nước sạch tại đây, tuy nhiên việc bố trí vốn đầu tư không thuộc về trách nhiệm của chúng tôi, mà phụ thuộc vào huyện, tỉnh. Được biết, nguồn vốn đầu tư cho chương trình nước sạch năm 2013 của Phù Mỹ đã được phân bổ về cho xã Mỹ Châu và Mỹ Phong”.
Vậy là, người dân xã Mỹ Chánh sẽ phải tiếp tục chờ… nước sạch, tiếp tục áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước triệt để mà họ đã và đang thực hiện, như bà vợ ông Lê Văn Tài, đã chia sẻ: “5, 6 ngày tui mới dám tắm nước sạch một lần, còn lại phải tắm nước lợ. Quần áo thì cứ đem ra đìa tôm giặt xả, miễn sao đỡ được tiền mua nước sạch. Tháng nào cũng mất hơn tiền triệu mua nước, ai mà chịu cho thấu!”.
THU HÀ- KIM SON
Kính gửi : Ban biên tập Tôi xin chia sẻ nỗi lo lắng và khát vọng của người dân những vùng khô hạn trong thời gian quan. Quả là cực khổ khi phải sống tại những nơi như thế. Nhưng âu cũng là số phận. Tuy nhiên, từ khởi thủy, Con người luôn luôn có đủ mọi cách để chống trả và khắc phục số mệnh. Biết dùng tri thức và kinh nghiệm để vượt khó khăn. Cuối cùng sự sống vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Đọc những bài viết về việc thiếu nước sử dụng, tôi luôn chia sẻ với người lãnh đạo địa phương và đặc biệt là người nông dân nơi đó. Với nhiều năm nghiên cứu và thực hành, tôi khẳng định việc tìm mạch nước ngầm sử dụng tốt là có thể, ngay cả những vùng nhiều người đã cho là không thể. Tôi mong muốn được giúp đỡ người dân khu vực này bằng việc xác định chính xác 100% mạch nước ngầm để bớt đi nỗi khổ trong đời sống hàng ngày. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu kết quả không đạt được. Địa phương nào có nhu cầu thực sự xin liên lạc tôi sẽ giúp đỡ. Trung tâm tư vấn - đào tạo Phong thủy và Năng
Trong tương lai, với cái đà khai thác Titanium như hiện nay thì các vùng ven biển thuộc xã Mỹ Thành cũng sẽ không có nước ngọt dùng.
Huyện Phù Mỹ còn có xã Mỹ Thành cũng "đứt" nước sạch từ 03 năm nay rồi, khổ cho bà con quá. Tác giả Thu Hà - Kim Son về Mỹ Thành làm tiếp 01 bài nữa đi