Thẻ vàng của EC với thuỷ sản Việt Nam: Cảnh báo “bay màu” vàng sang đỏ
Báo cáo hồi tháng 5.2021 của EC có một số điểm cảnh báo với Việt Nam trong đó có việc Thủy sản Việt Nam khó trụ hạng, “bay màu" vàng sang đỏ.
Theo kế hoạch, hôm nay (27.10), Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng với thủy sản. Hôm nay cũng tròn 4 năm EC chính thức áp thẻ vàng với thủy sản Việt Nam.
Theo bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT): “EC khẳng định còn 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì không rút thẻ vàng. Báo cáo hồi tháng 5.2021 của EC có một số điểm cảnh báo với Việt Nam trong đó có việc Thủy sản Việt Nam khó trụ hạng, “bay màu" vàng sang đỏ".
Sau 4 năm bị EC áp thẻ vàng, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có giảm so với trước nhưng chưa vững chắc. Xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có kết quả bước đầu, một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, B.Th. Năm 2020, phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61.904.462.000 đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là hơn 13,6 tỷ đồng.
EC cũng đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam; sự thiện chí, hợp tác, minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên (Cơ sở dữ liệu tàu cá, số liệu tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, dữ liệu xử phạt …..). Ban hành được khung pháp lý đảm bảo tính toàn diện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đảm bảo hướng tới nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, còn diễn biến phức tạp, các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa –V .Tàu; Việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục….
Ngày 14.5.2021 thông báo một số nhận định của DG-MARE đối với báo cáo tiến độ của Việt Nam, EC nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý mới và việc tuân thủ đặc biệt trong việc: Các đoàn kiểm tra IUU đến các tỉnh cho thấy việc thực hiện khung pháp lý về thủy sản vẫn còn nhiều thiếu sót; Số lượng tàu trên 24 m đi ra khỏi vùng biển Việt Nam còn rất cao (260 tàu từ ngày 1.1.2020 đến ngày 15.10.2020).
Chưa biết ngày nào gỡ được thẻ vàng!
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết: Trong trường hợp bị EU phạt thẻ đỏ thì tác động trước mắt ngắn hạn với thuỷ sản Việt Nam là cấm thương mại đối với hải sản khai thác của Việt Nam, vì không đáp ứng được qui định IUU. Theo ước tính, ngành khai thác thuỷ sản của Việt Nam sẽ mất đi 380 triệu USD/năm nếu thị trường này bị đóng cửa, và tác động gián tiếp đối với ngành thuỷ sản rất nghiêm trọng. Các tác động gián tiếp với thuỷ sản nuôi trồng bao gồm uy tín ngày càng sụt giảm, áp lực nhiều hơn từ hải quan, không tận dụng được EVFTA, quan trọng là ngành thuỷ sản Việt Nam mất đi thị trường châu Âu với giá trị 480 triệu USD. Trong trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm, sẽ gây ra những gián đoạn cho ngành thuỷ sản, trong đó khai thác thuỷ sản sẽ bị thu hẹp khoảng 30% về qui mô sản lượng.
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản.
Trước những vi phạm của ngư dân trong khai thác hải sản, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, việc quản lý tàu cá của ta hiện nay còn rất khó khăn. Chúng ta có trên 90.000 tàu cá khai thác trên biển, trong khi châu Âu chỉ có hơn 1.000 tàu cá. Chưa kể các đội tàu của ta hoạt động nhỏ lẻ, khiến cho công tác quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. “Tổ đội của chúng ta đã đi vào thực chất hay chưa, hay đó chỉ là hình thức để hưởng cơ chế, chính sách" - ông Luân đặt vấn đề.
Ngoài việc tăng cường các chế tài xử phạt, giám sát tàu cá, theo ông Luân, việc cần làm là các DN chế biến xuất khẩu thuỷ sản cần nói "không" với các loại hải sản khai thác bất hợp pháp.
Một giải pháp nữa được ông Trần Đình Luân gợi ý và được bà Thu Sắc phân tích thêm đó là chúng ta cần sớm tổ chức chợ đấu giá hải sản để giải quyết điểm nghẽn này. Vì sao thế giới họ làm lâu rồi mà chúng ta không làm được. "Na Uy làm online rồi. Tôi đã dự 1 cuộc đấu giá như vậy, trong vòng từ 5-6 giờ là chốt được giá cả, loại hải sản rồi. Mình giờ chưa làm được cái đó. Ngư dân của mình nhiều, tổ chức sàn đấu giá không có nghĩa là phải dẹp đi hệ thống nội vựa. Việc này phải có đầu tư của chính phủ. Chợ đấu giá bắt buộc phải làm với 28 tỉnh trên toàn quốc. Cách nay 15 năm chúng ta có nói đến chuyện này mà không được quan tâm đến".
Lần đầu tiên, ngành thuỷ sản đề nghị giảm sản lượng khai thác còn 72.000 tấn, song song đó là giảm thất thoát, bảo quản, chế biến. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản. Chính phủ cũng ra quyết định chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vào cuối năm nay; đặt quyết tâm gỡ thẻ vàng vào năm 2022, tuy nhiên đây vẫn là chặng đường rất gian nan. Cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản.
Theo An Nhi (VOV.VN)