DỰ ÁN RAU AN TOÀN Ở VĨNH SƠN:
Giúp người trồng rau từng bước khá lên
Đến nay, các nông hộ thuộc nhóm cùng sở thích (NCST) sản xuất rau an toàn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh đã xuống giống 3 đợt trên diện tích khoảng 1 ha với các giống: Cải thảo, súp lơ xanh, bắp cải, hành lá, dưa leo, cải thìa… Trong vài ngày tới nhóm sẽ lần lượt xuống giống rau vụ mới trên diện tích 1,5 ha nữa.
Theo ông Đặng Văn Khánh, nhóm trưởng NCST sản xuất rau an toàn Vĩnh Sơn, việc nới rộng các đợt xuống giống, sử dụng nhiều loại rau nhằm tránh giãn rộng thời gian thu hoạch, tránh ùn ứ nông sản và đa dạng hóa sản phẩm. Trước đây bà con hay làm đất một lần, xuống giống hết một lượt, hệ quả là đến lúc thu hoạch cũng phải thu hoạch gần như toàn bộ rau một lần. Thu hoạch, sơ chế không kịp mà thị trường cũng không nạp hết nên dễ dẫn tới hiện tượng rớt giá.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn nông dân NCST Vĩnh Sơn khảo nghiệm giống đậu xanh. Ảnh: Dự án Rau an toàn Bình Định
Tham gia Dự án Rau an toàn Bình Định, lợi ích lớn nhất là người trồng rau được tiếp cận kỹ thuật canh tác rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, đưa kiến thức học được vào ngay trên đồng ruộng với sự hướng dẫn trực tiếp theo kiểu “cầm tay chỉ việc” của chuyên gia. Không chỉ nắm vững kiến thức và thực hành kỹ thuật để trồng rau, bà con còn được làm quen với những kiến thức về thị trường, đa dạng danh mục cây trồng, nới rộng các thời điểm xuống giống… Với các kỹ thuật, kiến thức mới do Dự án rau an toàn Bình Định chuyển giao, đời sống của người trồng rau ở Vĩnh Sơn đã từng bước khá lên.
Trong năm nay, Văn phòng điều phối Dự án Rau toàn Bình Định phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai khảo nghiệm giống đậu xanh mới cho vùng rau Vĩnh Sơn. Kết quả, 2 giống đậu xanh ĐX21 và ĐX208 có điều kiện sinh trưởng phù hợp với thổ nhưỡng Vĩnh Sơn. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh lên kế hoạch chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho bà con nông dân.
Ông Phạm Tấn Phát, điều phối viên Dự án Rau an toàn Bình Định, cho biết, để giúp bà con mau chóng làm chủ kỹ thuật trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP các chuyên gia của Dự án thực hiện “3 cùng” với nông dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) ngay trên đồng ruộng. Nhờ vậy nay Vĩnh Sơn đã có 4 ha chuyên canh rau VietGAP và quan trọng hơn Dự án tác động để tạo được thị trường tiêu thụ ổn định giúp bà con yên tâm sản xuất.
Sau 5 năm triển khai (2016 - 2021), Dự án Rau an toàn Bình Định từng bước hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân Vĩnh Thạnh quen dần với việc canh tác hợp chuẩn VietGAP. Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh thành lập được 3 NCST trồng rau an toàn VietGAP, trong đó ở Vĩnh Sơn 2 nhóm và HTX NN & Kinh doanh dịch vụ Định Bình 1 nhóm.
QUANG BẢO