Hết lòng với người khó khăn
Hàng loạt chương trình, hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19 thời gian qua của Chi hội Tâm Phát Quy Nhơn đã được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đánh giá là rất tích cực và hiệu quả. Điều đáng biểu dương là đa số hội viên của Tâm Phát làm nghề buôn bán nhỏ - cũng đang gặp không ít khó khăn do dịch - nhưng vẫn thường xuyên đóng góp tiền, hàng để giúp người khó khổ hơn mình.
Mới đây, chiều 15.10, nhiều thành viên của Tâm Phát Quy Nhơn đã về chùa Hải Sơn (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) tặng quà hỗ trợ 46 trẻ mồ côi được chùa nuôi dưỡng. Quà có tổng giá trị 22 triệu đồng (gồm 10 triệu đồng tiền mặt và 12 triệu đồng tiền quà), chủ yếu do các thành viên Tâm Phát đóng góp. Bà Phạm Thị Đào, Chi hội trưởng Tâm Phát Quy Nhơn kể, lúc một số trẻ lớn chạy ra phụ các thành viên của Chi hội khênh đồ vào bên trong; mọi người chào hỏi nhau, lời cảm ơn, câu bảo ban, động viên, rồi tiếng nói cười râm ran, mừng vui suốt buổi gặp gỡ hôm đó.
Nhớ lại quãng thời gian 7 năm trước - lúc thành lập Chi hội, bà Đào chọn đặt tên Tâm Phát vì thích cái ý nghĩa “tập hợp những người làm việc thiện xuất phát từ tâm”. Bà hướng hoạt động của Chi hội về với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh, ưu tiên hỗ trợ người bệnh nặng, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, người gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, đây là một nét rất đặc biệt và rất riêng của Chi hội Tâm Phát Quy Nhơn. Từ khi thành lập đến nay, Tâm Phát đã đi về khắp các huyện miền núi trong tỉnh và miền Tây của tỉnh bạn Phú Yên, ra tận xã đảo Nhơn Châu tiếp sức học sinh đến trường, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho đồng bào.
“Mùa Covid-19 năm nay, họ quyên góp tiền, hàng ủng hộ người dân khó khăn ở TP Hồ Chí Minh hơn 300 triệu đồng. Trong tỉnh, Tâm Phát tặng hàng trăm suất quà cho các chốt kiểm dịch, cơ sở y tế điều trị F0; tặng hơn 100 suất quà hỗ trợ người bán vé số, người khuyết tật của TP Quy Nhơn; tặng hàng trăm suất gạo tình thương và quà cho người già neo đơn; ủng hộ gần 200 suất quà giúp đồng bào Ê-đê tỉnh Phú Yên gặp khó khăn do giãn cách. Tâm Phát còn quyên góp tiền mua thẻ BHYT tặng hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; tham gia nấu hàng nghìn suất ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo…”, ông Hiểu cho hay.
Từng tham gia vào một số hoạt động trao tặng quà của Tâm Phát, ấn tượng về bà Đào và Chi hội này là chuyện quà tặng thường xuyên phát sinh thêm - có khi gấp 3 - 4 lần dự kiến ban đầu, dẫn đến việc phải thuê thêm xe tải để chở quà. Hỏi bà Đào sao lại hay “bị động về quà” như vậy, chị cười, bảo rằng: Đúng ý nghĩa Tâm - Phát.
“Bởi lúc lập kế hoạch về quà chỉ căn cứ vào kết quả khảo sát yêu cầu của người dân. Nhưng rồi, trong quá trình triển khai thực hiện, tôi cứ thấy… thiêu thiếu. Chẳng hạn như lần trao quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã An Nghĩa (huyện An Lão), chỉ tính tặng vở sách bút mực và tổ chức múa lân thôi, nhưng rồi lại nghĩ thương các em chưa có quần áo mới, cặp mới, mũ mới, giày dép mới…”, bà chia sẻ v ậy.
Hơn 500 thành viên của Tâm Phát thuộc nhiều thành phần nhưng đa số là tiểu thương. Dưới “trướng” bà Đào, họ đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm hướng về người lâm cảnh nguy nan. Dịch dã suốt một thời gian dài khiến việc mua bán, thu nhập của nhiều người bị thất bát, lâm cảnh khó khăn. Dù vậy, khi Chi hội có hoạt động gì, họ cũng nỗ lực xoay liệu để góp mặt, chung tay. Người có ít đóng ít, người có nhiều góp nhiều, có tiền góp tiền, có hàng góp hàng.
“Tôi cho đây là nghĩa cử cao đẹp, đáng biểu dương của các thành viên. Lần nào đi tặng quà, tôi cũng tạo điều kiện để ai muốn đi cũng có thể gia nhập đoàn. Có lẽ, đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt, cảm nhận sự khó khổ của người dân, thấy việc mình làm đã giúp ích thế nào nên Chi hội ngày càng có nhiều thành viên “tự vượt khó” để tham gia giúp đỡ những người khó khổ hơn mình”, bà Đào cho hay.
NGỌC TÚ